Việt Nam có trung tâm nghiên cứu lúa lai hiện đại nhất tại Nam Định

(Dân trí) - Mặc dù là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, Việt Nam đang phải nhập gần 70% giống lúa lai. Việc thành lập trung tâm nghiên cứu lúa lai tại tỉnh Nam Định hứa hẹn sự tự chủ dần về nguồn giống lúa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* "Hoán tên, đổi họ" sản phẩm, các hãng sữa đang tích cực làm trò
* Tỷ phú Thái thâu tóm Metro muốn kiểm soát hơn 11% cổ phần Vinamilk
* Ông Nguyễn Văn Đực: Doanh nghiệp ngoại thôn tính BĐS Việt?
* Bị bò Úc “nuốt”, bò Việt liệu "chọi" lại được?

Nhằm tăng cường
năng lực nghiên cứu và sản xuất lúa lai, tiến tới xây dựng một nền sản xuất và phân phối lúa lai trong nước một cách bền vững cho Việt Nam, Tập đoàn Syngenta đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai (TTNCLL) tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Lễ khánh thành TTNCLL vừa được tổ chức sáng nay, 14/8, tại Nam Định, với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT), ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, và ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam. Đây là một trung tâm nghiên cứu lúa lai hiện đại đầu tiên tại Việt Nam do một tập đoàn quốc tế đầu tư và vận hành.

Trung tâm nghiên cứu lúa lai tại Nam Định (Ảnh: T. Nguyên)

Trung tâm nghiên cứu lúa lai tại Nam Định (Ảnh: T. Nguyên)

Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4ha với tổng kinh phí giai đoạn 1 ước trên 30 tỉ đồng. Trung tâm được trang bị những công nghệ mới nhất phục vụ nghiên cứu khoa học từ hệ thống máy móc, thiết bị thí nghiệm và bao gồm nhiều phân khu như khu lai tạo, khu nhà lưới, kho lạnh, khu máy móc.

Phát biểu tại lễ khánh thành, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoc học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), cho biết, trong số 7,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa ở Việt Nam, diện tích lúa lai chiếm từ 650-700.000 ha. Hiện nay, Việt Nam mới chủ động được từ 30% -40% giống lúa lai, số còn lại phải nhập khẩu.

“Giống lúa lai cho năng suất và chất lượng tốt và sẽ đong vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp thế giứi trong thời gian tới nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Việc tăng cường năng lực sản xuất lúa lai sẽ tạo ra nguồn cung ổn định, góp phần nâng cao năng suất lúa, chất lượng gạo là việc rất cần thiết. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân và phát triển bền vững,” TS Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

Trung tâm nghiên cứu lúa lai tại Nam Định (Ảnh: T. Nguyên)

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoc học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại lễ khánh thành (Ảnh: T. Nguyên)

TS Thủy cho rằng việc hình thành trung tâm này sẽ giúp các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội trao đổi và tiếp cận nguồn gen của thế giới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao chất lượng lúa lai và hướng tới đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu giống lúa lai trong tương lai.

Ông Gloverson Moro, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Syngenta cho biết: “Chúng tôi lựa chọn Nam Định là nơi xây dựng trung tâm vì đây là một địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực trồng lúa và là trung tâm sản xuất lúa gạo ở miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi chọn Việt Nam vì đây là nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới và lúa là một cây trồng quan trọng ở Việt Nam. Chúng tôi muốn tạo ra những giống lúa chất lượng cao cho VN và cung cấp cho cả thế giới.”

Trung tâm nghiên cứu lúa lai tại Nam Định (Ảnh: T. Nguyên)
Ông Gloverson Moro, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Syngenta (Ảnh: T. Nguyên)

Với tổng 93.000ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 73.000 ha đất trồng lúa, tỉnh Nam Định là một tỉnh trọng điểm về trồng lúa ở miền Bắc. Năng suất lúa của tỉnh đạt 930.000 tấn/năm, đứng đầu cả nước về năng suất lúa.

“Tỉnh Nam định có nhu cầu lúa lai 2.000 tấn/năm, tuy nhiên, chúng tôi phải nhập khẩu hơn 1.000 tấn/năm. Điều này khiến người nông dân phải mua giống với giá đắt và bị động về khâu giống lúa lai,” ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết.

Trong những năm gần đây tỉnh đã chủ động phát triển ngành giống trong đó có giống lúa lai. Việc hình thành trung tâm nghiên cứu lúa lai sẽ giúp tạo giống lúa có năng suất cao, chất lượng hàng hóa tốt, và chống chịu được với biến đổi khí hậu. Hiện nay, nhiều giống lúa của nước ta chỉ đảm bảo năng suất và tính chống chịu chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa, ông Điền nói.

Ở giai đoạn một, trung tâm sẽ chủ yếu nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên toàn cầu để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu chất lượng xay xát. Hiện đã có một giống lúa được đưa vào khảo nghiệm sản xuất trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia, dự kiến đến năm 2017 trung tâm sẽ cho ra thị trường 2-3 giống lúa lai chất lượng và năng suất cao phục vụ sản xuất.

Dự kiến, mỗi năm trung tâm sẽ quan sát vài ngàn cặp lai để chọn ra vài trăm tổ hợp lai với nhau, chọn cặp triển vọng đưa vào khu sản xuất nhỏ, tiếp đó đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử ở quy mô địa phương và quốc gia. Trong tương lai, trung tâm hướng tới phát triển lúa lai ba dòng từ các nguồn vật liệu Ấn Độ, Trung Quốc và IRRI với mục tiêu tạo ra sản phẩm thương mại trong tương lai, trong đó chú trọng tới các dòng chất lượng, năng suất, kháng sâu bệnh và hơn thế nữa là những dòng lúa lai thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Ở giai đoạn hai dự kiến sẽ được khởi động vào năm 2017, trung tâm sẽ được mở rộng thêm diện tích với những phòng thí nghiệm hiện đại để ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo như nuôi cấy bao phấn, đánh giá tính kháng sâu bệnh nhân tạo, đánh giá chất lượng hóa sinh của hạt gạo.
 
Thảo Nguyên
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước