Việt Nam có nguy cơ mất 20% thị trường xuất khẩu thủy sản: Lời giải công nghệ từ Viettel
(Dân trí) - Sau khi Việt Nam bị Ủy ban châu Âu áp dụng “thẻ vàng” từ tháng 10/2017, việc ngư dân tiếp tục vi phạm quy định về đánh bắt thủy hải sản sẽ dẫn tới “thẻ đỏ”. Và cũng từ đây, giải pháp công nghệ số của Viettel cho ngành thủy sản ra đời.
Giải pháp cho nguy cơ “thẻ đỏ” của Ủy ban châu Âu
Chỉ riêng trong năm 2017 đã có gần 500 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì vi phạm hải phận các nước khác. Và cuối tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” cho Việt Nam sau nhiều năm cảnh báo việc đánh bắt thủy hải sản trái phép.
Mỗi thẻ vàng thường kéo dài trong vòng 6 tháng nhưng Việt Nam đã bị gia hạn thêm 6 tháng nữa. Điểm nghiêm trọng là nếu tình hình này không được cải thiện, Việt Nam có thể phải nhận “thẻ đỏ”, hay mất đi thị trường xuất khẩu thủy sản là châu Âu (chiếm gần 20% thủy sản xuất khẩu của nước ta). Đây là chưa kể đến việc “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng uy tín xấu tới các thị trường khác.
Trước đó, giải pháp chống “thẻ vàng” hay “thẻ đỏ” với các thiết bị định vị mua của nước ngoài cho các tàu cá bị vô hiệu bởi nhiều lý do. Hai dự án được tài trợ với các thiết bị của Nhật và Pháp hầu hết đều bị ngư dân tắt nguồn hoặc rút ăng ten để tùy nghi đánh bắt và bản thân thiết bị cũng có những hạn chế.
Ví dụ thiết bị của VX-1700 (Nhật) thì cần nhấn nút để gửi tọa độ, còn Movimar (Pháp) thì sử dụng nguồn điện ở trên tàu. VX-1700 sử dụng sóng HF nên chất lượng truyền thông tin rất hạn chế và HF là sóng dùng chung nên nếu nhiều thiết bị cùng đồng loạt ấn nút sẽ bị nghẽn đường truyền….
Trước đó, dự án S-Tracking của Viettel ra đời và bắt đầu nghiên cứu từ đầu năm 2007. Tháng 10/2018, 1 năm kể từ ngày Việt Nam bị “thẻ vàng” của EC, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ mạng Viettel (nay là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) cho ra mắt sản phẩm S-Tracking.
Sản phẩm của Viettel cũng đi kèm với một ứng dụng trên điện thoại để người dân có thể kết nối bluetooth và dùng sóng vệ tinh để nhắn tin về bờ. Ứng dụng trên điện thoại cũng tích hợp cả mẫu điền nhật kí khai thác, có sẵn vị trí và tọa độ của tàu, người dân chỉ cần điền loại thủy sản và khối lượng đánh bắt, tiện hơn ghi trên giấy như trước đây.
Tính năng đặc biệt và cơ hội với thị trường quốc tế
Việc thiết kế sản phẩm với nhiều tính năng thiết thực, gần gũi hơn sản phẩm của nước ngoài là ưu thế đầu tiên của S-Tracking. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nữa là những kĩ sư của Viettel còn tới tận nơi hướng dẫn các chủ tàu (những người này không trực tiếp ra khơi, mà thuê thuyền viên và thuyền trưởng để đánh bắt thủy hải sản rồi về chia lợi nhuận) cách sử dụng thiết bị.
Chính những tiện ích phù hợp với điều kiện của Việt Nam, dịch vụ tốt, cộng với nhiều tính năng hơn sản phẩm ngoại là lý do khiến S-Tracking có được sức cạnh tranh trên thị trường. Tại tỉnh Cà Mau, địa phương áp dụng quy định các tàu đánh cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, S-Tracking của Viettel được người dân lựa chọn chứ không phải các thiết bị ngoại nhập. Trong đợt đầu tiên Viettel sản xuất, hơn 300 bộ S-Tracking đã bán hết và đây cũng là khởi đầu cho thắng lợi của sản phẩm “Made in Vietnam”.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: Việc Viettel nghiên cứu sản xuất các thiết bị chuyên dụng dành cho tàu cá Việt Nam cũng là một biện pháp giúp bảo vệ ngư dân và bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Trường hợp họ bị tấn công hoặc tai nạn trên biển thì có thể truyền tín hiệu ngay tới các cá nhân, tổ chức liên quan để kịp thời ứng cứu.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều nước đang phát triển, hoạt động quản lý giám sát đánh bắt, kinh doanh thủy hải sản còn thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người và nhiều ngư dân vẫn giữ các thói quen canh tác truyền thống. Đi kèm với đó, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển quốc tế diễn ra phức tạp. Tính đến đầu năm 2019, đã có tới 25 nước phải chịu cảnh cáo (thẻ vàng) của Ủy ban Châu Âu (EC) trong đó chủ yếu là các nước đang phát triển như Campuchia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam...
Và đây chính là cơ hội thị trường to lớn cho sản phẩm S-Tracking dù non trẻ của Viettel. Với trong nước, đó là thị trường cực lớn với 30.000 tàu cá đánh bắt xa bờ; gần 77.000 tàu cá đánh bắt gần bờ và 270.000 tàu tuyến thủy nội địa và hơn 1 triệu ngư dân đang tham gia lưu thông thường xuyên.
Công nghệ phía sau S-Tracking
Tại sao một thị trường lớn như vậy mà các công ty Việt Nam ít tham gia. Câu trả lời là không dễ về mặt kỹ thuật và khi vượt qua rào cản về kỹ thuật, mức giá có cạnh tranh không là một vấn đề khác.
Đó cũng là lý do vì sao khi Viettel sản xuất thành công nhóm giải pháp kỹ thuật số cho ngành thủy sản mà sản phẩm chủ lực là S-Tracking, công ty này tự hào đem sản phẩm tới triển lãm di động lớn nhất thế giới để giới thiệu với bạn bè thế giới. Ở Việt Nam, giá thiết bị do Viettel sản xuất thấp hơn từ 20% đến 30% so với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài nhưng nhiều tính năng hơn và phù hợp với các điều kiện của người Việt Nam hơn.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Đối với người làm nghiên cứu sản xuất thiết bị vô tuyến hay viễn thông thì việc sản xuất thành công thiết bị truyền tin qua sóng ngắn là một thách thức lớn. Nếu làm được, Viettel khẳng định được đẳng cấp trong thiết kế các thiết bị sóng ngắn phục vụ liên lạc trên biển, trong đó có cả tàu cho quân đội và ngư dân”.
Một điều quan trọng khác khiến Viettel đem sản phẩm này đến MWC 2019 như ông Chiến phát biểu: “Chúng tôi cũng muốn giới thiệu cho quốc tế về khả năng của Viettel trong việc sản xuất các thiết bị đầu cuối truyền sóng ngắn mà những sản phẩm dành cho ngư dân mới là điểm khởi đầu. Bởi phía sau việc sản xuất thành công các sản phẩm dành cho ngư dân là Viettel đã làm chủ nhiều công nghệ lõi như thu phát vô tuyến, mã hoá truyền số liệu, công nghệ bảo mật…”.
Nguyễn Tuấn