Việt Nam có cơ hội phát triển nhảy vọt về điện năng

(Dân trí) - “80% nhà máy điện tại Mỹ được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 với công nghệ ô nhiễm nhưng vẫn đang hoạt động. Việt Nam có cơ hội phát triển tốt hơn nếu đầu tư các công nghệ sạch ngay từ đầu”.

Việt Nam có cơ hội phát triển nhảy vọt về điện năng - 1
Việt Nam có nhieuf tiềm năng phát triển điện năng.
 
Đó là ý kiến của ông Hsing Ho, Tổng Giám đốc Dupont khu vực Asean tại Diễn đàn Phát triển bền vững với chủ đề “Bước vào thập niên mới: Hợp tác và phát triển bền vững của Việt Nam” vừa tổ chức ở TPHCM ngày 4/12.

Theo ông Hsing Ho, nếu Việt Nam có chính sách tốt để phát triển công nghệ sạch hiện có của thế giới ngay từ đầu, dựa vào nhóm doanh nghiệp tư nhân và định hướng cho họ phát triển công nghệ sạch sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh về mặt công nghệ, có cơ hội nhảy vọt về kinh tế vì vừa phát triển vừa bảo vệ được môi trường để phát triển bền vững.

Đồng ý với quan điểm trên, PGS - TS. Lê Quang Minh, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường sẽ giúp kinh tế phát triển hiệu quả, ổn định. Về lâu dài, cái gì môi trường thì kinh tế, kinh tế thì phải môi trường”.

Việt Nam có cơ hội phát triển nhảy vọt về điện năng - 2
PGS - TS. Lê Quang Minh phát biểu
tại hội thảo
.
Ông cũng cho là chúng ta đang có điều kiện tốt để phát triển công nghệ sạch, như nguồn năng lượng tái tạo dồi dào (gió, mặt trời, phó sản nông nghiệp...) đang chờ chúng ta khai thác. Ông còn đùa: “Về năng lượng mặt trời thì không hiểu sao nước ta lại gần mặt trời hơn nhiều nước khác”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tại diễn đàn lo lắng về mặt giá cả của các sản phẩm làm ra từ công nghệ sạch sẽ khó cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại nhưng sản xuất bằng công nghệ bình thường.

Ông Nguyễn Nam Vinh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đặt vấn đề: “Người tiêu dùng cũng thích sử dụng sản phẩm công nghệ sạch nhưng họ lại không muốn phải trả thêm số tiền chênh lệch để sản xuất ra sản phẩm này. Theo tôi nghĩ, khoa học công nghệ hiện nay không đủ để giải quyết bài toán sản phẩm vừa “sạch” vừa rẻ đâu”.

Theo ông Hsing Ho, quan trọng nhất là mục tiêu và kiên trì mục tiêu phát triển công nghệ bảo vệ môi trường. Ông cho biết: “Dupont đang đeo đuổi nghiên cứu phát triển các nguồn nhiên liệu hữu cơ thay thế nhiên liệu vô cơ và phải cạnh tranh được về giá thành. Tuy không phải lúc nào cũng thành công, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì”.

PGS - TS. Lê Quang Minh cũng lạc quan vì hiện Việt Nam đang có những cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ để phát triển công nghệ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo lắng vì các thiết chế của Chính phủ chưa được thực thi tốt và bất cập với thực tế đời sống.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Trung tâm Đầu tư nước ngoài Phía Nam của Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho rằng: “Vụ Vedan, Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai ít nhiều cũng có trách nhiệm. Chúng ta phải làm sao để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ địa phương?”.

Kết luận diễn đàn, các đại biểu đều đồng ý là chúng ta có chính sách tốt và điều kiện tự nhiên dồi dào để ứng dụng công nghệ sạch, phát triển kinh tế bền vững.

Tùng Nguyên