1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam cần thận trọng với “bong bóng” tài sản

Thời gian gần đây, liên tiếp có những cơn sốt giá đủ loại trên thị trường vàng, USD, nhà đất. Chuyên gia của WB nhấn mạnh rằng nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng thì chắc chắn giá hàng hóa ở thị trường này sẽ tăng mạnh.

Việt Nam cần thận trọng với “bong bóng” tài sản - 1
Nhà đất tại Hà Nội liên tục tăng giá trong thời gian qua.
 
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tuy giá bất động sản và giá cổ phiếu chưa đạt đến đỉnh cao như thời kỳ trước, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không nên chỉ quan tâm đến giá cả hàng hóa tăng cao - nguy cơ lạm phát trở lại, mà còn cẩn trọng đến “bong bóng” tài sản, vì nó cũng có thể có nguy cơ trở lại.

Vậy thì nguy cơ “bong bóng” tài sản này có thực không và mức độ rủi ro của nó đến đâu?

Nhận diện giá tăng

Sự gia tăng của giá vàng và bất động sản hay giá USD biến động theo giá vàng vừa rồi có nhiều nguyên nhân nhưng không hoàn toàn là hệ quả trực tiếp từ những khó khăn về kinh tế của Việt Nam.

Giá vàng tăng trong tháng 11/2009 này có nguyên nhân một phần bởi sự gia tăng giá vàng thế giới nhưng cũng mang tính đầu cơ cao. Hiện tượng vàng tăng giá còn do sự “tiếp tay” bởi tâm lý đám đông và từ một số bất cập nhất định trong cơ chế quản lý thị trường của Nhà nước...

Bất động sản tăng cao gần đây cũng ít nhiều được giải thích tương tự. Theo nhiều chuyên gia, ngoài yếu tố nền kinh tế phục hồi nên giá trị bất động sản tăng theo thì việc cung không đủ cầu rồi tình trạng đầu cơ, thông tin dự án không được công khai ra thị trường càng tạo sự khan hiếm giả tạo, đẩy giá nhà đất vượt xa giá trị thật.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành chưa được 10 năm, còn quá non trẻ so với lịch sử trên dưới 300 năm của thị trường chứng khoán thế giới, lại hoạt động trong một cơ chế thị trường chưa đầy đủ, vai trò giám sát, chế tài của Nhà nước còn nhiều lỏng lẻo.

Nguyên nhân hàng đầu của “bong bóng” tài sản là các hoạt động đầu cơ gia tăng thái quá do chủ đích của một số nhóm lợi ích có thế lực, có những ưu đãi hoặc đặc quyền nhất định và có tổ chức. Tình trạng “bong bóng” còn được hỗ trợ bởi tâm lý đám đông hoạt động với kỳ vọng thu lãi nhanh, cao trong bối cảnh thông tin chưa đầy đủ, minh bạch.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội giải thích, hiện tượng “bong bóng” tài sản là khi nguồn vốn rót vào đó được huy động từ các nguồn mà cụ thể là từ các định chế tài chính đầu tư vào bất động sản hay đầu tư vào chứng khoán “thổi” cho giá chứng khoán hay bất động sản quá nóng, vượt mức bình thường. Người ta còn gọi hiện tượng này là rủi ro do đầu tư quá nóng vào tài sản.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) băn khoăn, trong khu vực xây dựng không tách biệt ra là xây dựng cái gì, ai xây dựng, phần vốn từ nguồn nhà nước, ngoài nhà nước hay đầu tư nước ngoài là bao nhiêu nên không thể nói rõ được là có hay không “bong bóng” tài sản.

Mới đây, khi trao đổi với báo giới, chuyên gia của WB cũng thừa nhận là để phân biệt sự tăng giá tài sản, bất động sản ở Việt Nam lành mạnh hay “bong bóng” không phải là việc dễ. Đây là vấn đề quan trọng cần được theo dõi thêm và đánh giá sát sao mới có thể đưa ra kết luận được.

Cách nào để kiểm soát “nhiệt” thị trường?

Nhìn nhận về hiện tượng giá bất động sản tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu tăng, chuyên gia của WB nhấn mạnh rằng nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng thì chắc chắn giá hàng hóa ở thị trường này sẽ tăng mạnh.

Điều này cũng có nghĩa là khi chưa có được công cụ điều tiết giá nhà đất như ở các nước khác thì chìa khóa chính là thực hiện tốt chính sách tiền tệ.

Mới đây, Thống đốc NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố không được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản cho vay để đầu tư bất động sản, tài sản tài chính (vàng, ngoại tệ, chứng khoán và các tài sản tài chính khác).

Động thái này của Ngân hàng Nhà nước chính là việc “đánh động” đến việc cho vay nóng vào những lĩnh vực nhạy cảm - nguồn cơn của hiện tượng “bong bóng” tài sản.

Ở góc nhìn của mình, tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng tính ổn định của thị trường bất động sản có liên quan đến 2 vấn đề. Đó là ngoài việc xác lập nguồn vốn cho thị trường bất động sản, cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn chống đầu cơ.

“Đầu cơ trên thị trường bao giờ cũng có nhưng khi tăng được nguồn cung kèm theo thông tin minh bạch thì sẽ hạn chế được đầu cơ” - ông Ánh nhấn mạnh.

Hiện nay, có hiện tượng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà. Đây là hiện tượng bình thường của thị trường nhưng khi nguồn cung dồi dào thì chênh lệch của hợp đồng chuyển nhượng cũng không lớn và tự nó sẽ hạn chế được hiện tượng đầu cơ này.

Còn với thị trường vàng, cơn sốt ảo giá cũng chứng tỏ những lỗ hổng và bất cập trong cơ chế đảm bảo an toàn và hoạt động lành mạnh của thị trường.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói, đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần ngồi lại với nhau để rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chính sách và thể chế nhằm đối phó hữu hiệu, chủ động hơn với các loại hiện tượng sốt nóng-lạnh gắn với các yếu tố tâm lý, tin đồn và đầu cơ đã, đang và sẽ còn diễn ra trên thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Theo TTXVN/Vietnam+