1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Các nhà tài trợ 2008:

“Việt Nam cần tập trung giải quyết chính sách tiền tệ”

(Dân trí) - Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2008 đánh giá: Việt Nam vẫn là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á, nhưng Chính phủ cần tập trung vào “chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề này trong phạm vi quốc gia”.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, sự kiện mở đầu cho Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2008, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính Quốc tế phối hợp tổ chức đã diện ra tại Hà Nội, ngày 2/6.

Ông Hiroyuk Moribe, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết: 92,6% số công ty sản xuất của Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam dự định tăng vốn đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, không có công ty nào dự định thu hẹp quy mô hay di chuyển đi nước khác.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á trong vòng 5 - 10 năm tới với các ngành: máy móc thiết bị điện - điện tử, sản phẩm kim khí, linh kiện phụ tùng điện - điện tử...

Mặc dù được đánh giá là “địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á” trong tương lai, nhưng tỷ lệ hài lòng với địa điểm đầu tư hiện nay tại Việt Nam của các công ty Nhật đã giảm từ 75,4% năm 2006 (đứng đầu) xuống 41,7% năm 2007 (đứng thứ 5 trong 6 nước ASEAN).

“Mặc dù nhà đầu tư Nhật Bản kỳ vọng nhiều vào Việt Nam cũng như có dự định mở rộng hoạt động kinh doanh, song họ đã không còn hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam như trước kia” - ông Hiroyuki Moribe nhấn mạnh, mà nguyên nhân của mức sụt giảm này là do Việt Nam có cơ sở hạ tầng kém phát triển, thủ tục hải quan phức tạp…

Nhìn Việt Nam bằng góc nhìn “thời sự” nhất, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amscham) Micheal J.Pease lại bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tình trạng lạm phát: “Ai có mặt tại diễn đàn hôm nay cũng thấy rõ bão giá và ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát đã tác động tới môi trường kinh doanh Việt Nam thế nào.

Nếu Chính phủ không có hành động cấp bách với ngành tài chính, sự yếu kém của các định chế tài chính sẽ làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài”.

Cũng theo Chủ tịch Amscham, nạn đầu cơ bong bóng bất động sản tại Việt Nam không chỉ đe doạ ngành tài chính, mà còn kìm hãm tính cạnh tranh lâu dài, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra sự cạnh tranh mạnh mẽ đầu tư từ các nước trong khu vực.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề tiền tệ là nguyên nhân cơ bản của cơn lạm phát hiện tại và Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề này trong phạm vi quốc gia.

Việt Nam cũng nên cảnh giác để tránh sử dụng lại các rào cản thương mại vì biện pháp tăng cường kiểm soát trong lĩnh vực này rất có thể tạo thêm các biến dạng cho hệ thống kinh tế” - ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EUROCham) tại Việt Nam góp ý.

Theo ông Alain, Chính phủ Việt Nam cần phải đảm bảo cho các nhà xuất khẩu trong nước có cơ hội vay vốn ở mức hợp lý. Ngân hàng nhà nước nên nhanh chóng xây dựng một kế hoạch phù hợp nhằm đảm bảo duy trì hoạt động xuất khẩu…

Đáp lại các nhà tài trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chống lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay để đưa Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng”.

Nguyễn Hiền