"Việt Nam cần đảm bảo lãi suất thực dương ít nhất 1-2%"

(Dân trí) - Chuyên gia của ADB cho rằng, điều quan trọng trong điều hành lãi suất là không nên dựa vào con số lạm phát hiện tại mà phải căn cứ vào kỳ vọng lạm phát.

  

Việt Nam cần đảm bảo lãi suất thực dương ít nhất 1-2%
Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày hôm nay (11/4) chính thức công bố Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2012”, trong đó có đề cập đến Việt Nam.

Tại bản báo cáo, ADB nêu quan điểm cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho ngành ngân hàng cần phải là ưu tiên trước mắt của Chính phủ trong thời gian này.

ADB cho rằng, tình trạng lãi suất thực âm (lãi suất huy động thấp hơn tỷ lệ lạm phát) cũng tác động đến tính “tiết kiệm thực” của khách hàng gửi tiền VND.

Theo đó, các ngân hàng Việt Nam nên giữ được lãi suất thực dương để tăng sức hấp dẫn cho tiền đồng cũng như tăng quyền lợi cho người gửi tiền.

“Quan điểm của ADB là Chính phủ phải duy trì lãi suất thực dương tiền đồng của người dân ít nhất là 1-2%” – ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Giải thích về điều này, chuyên gia kinh tế về Việt Nam của ADB Dominic Melllor cho hay, điều quan trọng trong điều hành lãi suất là không nên dựa vào con số lạm phát hiện tại mà phải căn cứ vào kỳ vọng lạm phát.

Theo đó, với lạm phát cả năm 2012 dược dự báo giảm xuống một con số thì theo ADB, lãi suất tiền gửi của ngân hàng dừng ở 11-12% là phù hợp. Còn nếu tình hình tồi tệ hơn, nếu lạm phát không đạt được mục tiêu thì lãi suất huy động có thể nâng lên để đạt được mức lãi suất thực dương tối thiểu là 1-2%.

Trước những động thái hạ lãi suất của NHNN hiện nay, ADB cảnh báo, “Việc hạ lãi suất quá nhanh có thể đặt VND dưới những áp lực mới. Điều này giảm hiệu quả những nỗ lực trong ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư và người tiêu dùng, làm suy yếu dự trữ ngoại tệ.”

Mặc dù dự trữ ngoại tệ đã được khôi phục một phần song vẫn ở mức thấp, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương với những cú sốc từ bên ngoài.

Ngoài ra, tính dễ bị tổn thương trong ngành ngân hàng cũng cho thấy một rủi ro khác. Niềm tin của doanh nghiệp và hệ thống tài chính sẽ bị lung lay nếu các vấn đề tại các ngân hàng nhỏ lan rộng.

Cũng trong năm 2012 này, NHNN áp trần tăng trưởng tín dụng năm cho từng ngân hàng cụ thể, dựa trên loạt các chỉ số về ổn định tài chính. Trong đó, các ngân hàng mạnh được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, và theo ước tính thì nhóm này nắm giữ tới 90% tổng số tài sản của ngành.

Về khía cạnh tài chính, chi phí của việc tái cấp vốn cho các ngân hàng, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và nâng lương cho công chức để bù đắp cho lạm phát tăng nhanh đặt ra những rủi ro chi tiêu công của Chính phủ. Tỷ lệ chi tiêu của Chính phủ được chuyển hướng ra ngoài ngân sách đang tăng lên, và theo ADB, điều này sẽ làm tăng các rủi ro trong quản lý tài chính công.

Yêu cầu dài hạn đối với Chính phủ là xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả, có thể huy động được nguồn vốn đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%. Ông Kimura cũng lưu ý, những cải cách phức tạp này sẽ phải mất hàng năm mới hoàn thành.

Bích Diệp