1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Viễn thông Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế

Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam bắt đầu cung cấp dịch vụ ở Campuchia, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Canada và cả Mỹ.

Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép đầu tư sang Campuchia, cung cấp dịch vụ VoIP, trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của VN đầu tư cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho biết là mạng ĐTDĐ non trẻ nhưng đã có trong tay hơn 4 triệu thuê bao trong thời gian ra đời chưa tròn 2 năm, Viettel đã nổi lên thành một thương hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng trong nước bởi giá cước rẻ, luôn đưa ra những tiện ích mới cho người sử dụng.

Ông Christian Reinaudo, Chủ tịch Alcatel khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: Chính phủ VN đã xác định lĩnh vực viễn thông là một trong những ưu tiên của hiện đại hóa đất nước.

 

Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), với tốc độ tăng trưởng 70% trong những năm vừa qua, thị trường viễn thông của VN đứng thứ 2 thế giới về tăng trưởng.

Từ thành công này, Viettel “xông” ra nước ngoài mà mở đầu là đất nước láng giềng Campuchia với nguồn vốn đầu tư cho giấy phép cung cấp dịch vụ là 1 triệu USD.

Nhiều ý kiến băn khoăn: Hiện thị trường trong nước Viettel còn chưa khai thác hết, nhiều DN nước ngoài còn đổ xô vào VN, việc gì phải đầu tư ra nước ngoài? Lý giải vấn đề này, ông Hùng lạc quan cho rằng: Đầu tư ra nước ngoài sẽ đồng thời khai thác thị trường trong nước tốt hơn, nếu không nắm lấy thì sẽ mất cơ hội.

Mặt khác, một trong những chiến lược phát triển lâu dài của Viettel chính là theo hướng đa ngành nghề. Khi đầu tư ra nước ngoài sẽ tạo được những liên minh, với mức cước đặc biệt rẻ sẽ tạo ra thế cạnh tranh trong thị trường viễn thông khu vực.

Là một đối tác làm ăn với các hãng viễn thông lớn của Mỹ như: Motorola, AT&T, US Spring... Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT ) đã được Chính phủ chấp thuận cho phép được mở chi nhánh đầu tư một số lĩnh vực dịch vụ viễn thông tại Mỹ.

Trước đó, vào tháng 5/2005, VNPT đã được Mỹ chính thức chứng nhận nhãn hiệu “VNPT và hình”, việc đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ đã duy trì được hình ảnh và thương hiệu của VNPT là bước đi mở màn cho việc đầu tư ra nước ngoài của VNPT.

Việc VNPT chọn thị trường Mỹ để đầu tư viễn thông vì đây được đánh giá là có quy mô lớn nhất thế giới về buôn bán viễn thông, với hệ thống hạ tầng hiện đại có thể kết nối được trên toàn cầu nên tất cả các cuộc gọi đi các nước bắt đầu từ Mỹ đều có giá cước rẻ hơn, vì vậy thị trường viễn thông ở đây thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự có mặt của VNPT ở Mỹ trước tiên đã có 1,3 triệu khách hàng tiềm năng là cộng đồng Việt kiều đăng ký mua dịch vụ bán lẻ như thẻ trả trước, chuyển tiền nhanh... Đây chính là bước khởi đầu thuận lợi cho VNPT.

Ông Nguyễn Bá Thước, Phó Tổng Giám đốc VNPT, cho biết: Hiện VNPT đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng để hoàn thành mục tiêu đặt văn phòng đại diện tại Mỹ vào cuối năm nay.

Ngày 17/8 vừa qua, Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (một công ty con của VNPT) cũng vừa mở 2 đường truyền Internet quốc tế tốc độ 155 Mbps từ VN đi Mỹ. Đây là kết quả của việc đàm phán và ký kết giữa VDC với Verizon - nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet hàng đầu tại Mỹ - trong thời gian qua.

Việc mở 2 đường truyền này đã đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet đang tăng cao của khách hàng, đồng thời qua đó chất lượng dịch vụ này cũng được nâng cao hơn.

Trước đó, từ đầu năm, VNPT đã chuyển hướng đưa dịch vụ thẻ trả trước gọi 1717 được sử dụng công nghệ VoIP có chức năng roaming quốc tế có mặt tại thị trường Mỹ, Canada, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan. Dịch vụ này được khách hàng biết đến như là một dịch vụ tiện ích với nhiều tính năng vượt trội.

Theo Ngọc Mai
Báo Người lao động