Vị thế mới của MSB
(Dân trí) - Sau khi trở thành ngân hàng duy nhất niêm yết mới trên HNX năm 2020, MSB liên tiếp ghi những dấu ấn mới như tăng hơn 60 bậc trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng lớn nhất châu Á, được Moody's nâng tín nhiệm, triển khai Basel III...
Theo bảng xếp hạng 500 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất châu Á của The Asian Bank (The Asian Banker 500 - AB500), cuối năm 2019, MSB lần đầu lọt vào top 500 này và theo xếp hạng mới nhất dựa trên các chỉ số tài chính cho nửa năm 2020, MSB tăng 66 bậc từ vị trí 484 lên 418, là một trong những nhà băng Việt Nam tăng hạng nhiều nhất và nổi bật nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Danh sách AB500 xếp hạng theo giá trị tổng tài sản các ngân hàng thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và được đưa ra dựa trên đánh giá tổng thể tăng trưởng tín dụng, tiền gửi, thu nhập từ lãi, thu nhập hoạt động…
Kết quả nâng hạng ấn tượng như trên đến từ sự tăng trưởng vượt bậc của ngân hàng trong nửa đầu năm 2020, khi tổng tài sản tăng gần 5%, đạt 164.740 tỷ đồng. Nửa cuối năm, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, nâng tổng tài sản lên 176.697 tỷ đồng, cao hơn 12,5% so với đầu năm. Với số liệu cuối 2020 và kết quả tích cực từ quý I năm nay nhiều khả năng xếp hạng của MSB trong top 500 năm 2021 sẽ tiếp tục nâng lên, do nhà băng này nằm trong top 15 đơn vị có tốc độ tăng trưởng tài sản cao nhất.
Cùng với đó, năm 2020, trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, MSB vẫn thực hiện đúng lộ trình cam kết với các cơ quan quản lý, hoàn thiện hồ sơ đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.
"Tự hào là ngân hàng duy nhất niêm yết mới trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HNX) trong năm 2020, tôi tin rằng đây sẽ trở thành điểm khởi đầu cho vị thế mới của MSB trên thị trường, củng cố cam kết mang lợi ích tối đa tới cổ đông, khách hàng và đối tác", ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị MSB - gửi tới cổ đông trong thông điệp tại báo cáo thường niên 2020.
Những bước đi mới
2021 là năm đặc biệt trong lộ trình 2019-2023, dấu mốc 30 năm trong chặng đường phát triển của MSB. Ngân hàng dự kiến sẽ tăng tổng tài sản 8% lên 190.000 tỷ đồng. Vốn huy động (thị trường I và trái phiếu) tăng 15%, trong khi dư nợ tín dụng (gồm dư nợ cho vay TCKT và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 25%, tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ. Mục tiêu nợ xấu đảm bảo kiểm soát dưới 2%.
Mặt khác, ngân hàng sẽ chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/IV năm nay. Đây là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quy mô tổng tài sản và nguồn vốn của ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đang để ngỏ khả năng chào bán vốn tại công ty con FCCOM cho đối tác chiến lược trong năm nay. Nếu có thể thực hiện thành công, ngân hàng sẽ thu về nguồn tiền lớn phục vụ hoạt động kinh doanh đồng thời đem lại cơ hội tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực tài chính cá nhân khi hợp tác với tổ chức tài chính uy tín quốc tế.
Nhà băng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng sau 5 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.200 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 tương đương hoàn thành 68% kế hoạch mục tiêu của năm 2021. Lợi nhuận được đóng góp đáng kể từ thu nhập lãi thuần gần 2.500 tỷ đồng và thu nhập ngoài lãi hơn 1.200 tỷ đồng tăng lần lượt 79% và 64% so với cùng kỳ năm trước.
Vị thế của MSB càng được khẳng định khi ngân hàng được Moody's nâng hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn từ B2 lên B1 trong kỳ đánh giá tháng 4 vừa qua. Việc nâng hạng tín nhiệm cho MSB trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô và các rủi ro từ dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường cho thấy sự đánh giá cao của Moody's với các thành tựu và kết quả tài chính mà Ngân hàng đã đạt được, đồng thời thể hiện sự tin tưởng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu này vào khả năng thực hiện hóa kế hoạch mục tiêu của MSB trong năm nay.
MSB tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế của mình bằng việc tích cực và chủ động áp dụng sớm những chuẩn mực quốc tế trong quản trị rủi ro. Sau khi hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basel II đầu năm 2020, đến tháng 5 năm nay, MSB tiếp tục công bố triển khai áp dụng quản trị rủi ro tín dụng theo phương pháp nâng cao của chuẩn mực Basel II, đồng thời là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai Basel III trong quản trị rủi ro hoạt động, thị trường và thanh khoản.
Định hướng cho giai đoạn 2020-2024, ban lãnh đạo MSB đặt mục tiêu đến năm 2024, tổng tài sản tăng trưởng kép (CAGR) 16,75 %/năm, đạt hơn 340.445 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng lên kế hoạch tiếp cận gần 218.000 tỷ đồng, tương đương CAGR 28,29 %/năm.
Song song với chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận ở mức xấp xỉ 30%/năm từ nay đến 2024.
CEO Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ: "Đích đến cuối cùng của MSB sẽ không đơn thuần là nâng cao vị thế của ngân hàng với các con số tăng trưởng đơn thuần về tài sản, lợi nhuận mà chúng tôi sẽ hướng đến mục tiêu cao hơn đó là nâng cao trải nghiệm dịch vụ tài chính của khách hàng thông qua những sản phẩm được cá nhân hóa, những giải pháp mang đến sự đơn giản, thuận tiện và hiệu quả, đồng thời xây dựng mối quan hệ lâu dài bền vững để đồng hành với khách hàng trong hành trình vươn tầm".
2021 là năm kỳ vọng phát triển vượt bậc nhờ vào sự thay đổi chiến lược chuyển đổi số của MSB, tiếp tục phát huy những giá trị đã đạt được. Ngân hàng sẽ định vị giá trị khác biệt dựa trên sự am hiểu khách hàng ở phân khúc mục tiêu từ đó xây dựng hình ảnh, cũng như sản phẩm phù hợp cho từng phân khúc.
Với khối ngân hàng bán lẻ, MSB đặt mục tiêu phát triển hơn 600.000 khách hàng mới, gấp hơn 3 lần so với năm trước. Trong khi đó, khối ngân hàng doanh nghiệp cùng đơn vị tư vấn đã lên kế hoạch triển khai một số dự án lớn, trong đó tập trung vào các hành động chiến lược như: lấy khách hàng làm trọng tâm, ưu tiên trải nghiệm và nhu cầu khách hàng khi thiết kế sản phẩm, tiếp tục số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Khác biệt với "Nhà máy số"
MSB đang xúc tiến ký hợp đồng với bên tư vấn chiến lược uy tín để thực hiện dự án "Nhà máy số" với tham vọng số hóa từng phần đến toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng dựa trên những quy trình được tái thiết từ thủ công, phức tạp, tốn nhiều thời gian trở thành số hóa trọn vẹn (End-to-end) và triển khai tức thì trên nền tảng công nghệ mới.
Với quy trình mới, việc đưa ra quyết định sẽ không còn hoàn toàn phụ thuộc vào con người mà sẽ dần được tự động hóa dựa trên cơ sở dữ liệu và thuật toán máy tính. Văn hóa làm việc cũng sẽ dịch chuyển từ cách thức truyền thống sang những phương pháp mang tính linh hoạt, thực nghiệm hơn, thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường nói chung và thị trường nói riêng.
Dự án "Nhà máy số" đang được MSB đầu tư bài bản cả về tài chính và nguồn nhân lực, là dự án trọng điểm của năm 2021 với lộ trình đến 2023 sẽ đem lại những sản phẩm đầu tiên với mức kỳ vọng đem lại nguồn thu 500 tỷ đồng/năm cho ngân hàng.
Bên cạnh "Nhà máy số", MSB vẫn tiếp tục phát triển các dự án số hóa đã xây dựng từ năm 2020. Trong đó, với ngân hàng số TNEX, lãnh đạo ngân hàng định hướng trở thành giải pháp ngân hàng toàn diện, an toàn, miễn phí, sáng tạo và dựa vào phong cách sống cho tất cả các cá nhân, các đơn vị kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ ở cả thành thị và nông thôn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, 22 tính năng mới, lần đầu xuất hiện trên thị trường, đã được khởi động thiết kế và thực hiện cho ứng dụng TNEX, hứa hẹn sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển và làm hài lòng khách hàng.
Với những bước đi tiên phong về chiến lược số hóa, MSB được kỳ vọng sẽ tiếp tục vươn lên vị trí cao trong nhóm các ngân hàng Việt Nam, như đã từng đạt được trong lịch sử.