1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao Tribeco muốn giải thể?

Tribeco đang gây ngạc nhiên trên thị trường khi công bố sẽ tiến hành đại hội cổ đông để giải thể công ty. Có trong tay hai cổ đông lớn dày dạn kinh nghiệm: Uni-President và Kinh Đô, nhưng Tribeco vẫn thất bại...

Vì sao Tribeco muốn giải thể?
Nếu Uni-President mua lại toàn bộ phần vốn thành công, thì Tribeco mới sẽ trở thành doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.  

 

Sau đại hội cổ đông 2012 vào cuối tháng 6 vừa qua, cổ đông lớn nước ngoài Uni-President Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 43,56% hiện đang nắm giữ toàn bộ ghế ở hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco).

 

Còn Kinh Đô, sau hơn sáu năm tham gia, các lãnh đạo của tập đoàn này cũng đã rút lui khỏi HĐQT Tribeco. Báo cáo tài chính quý 2 mới đây của Kinh Đô không còn thấy thể hiện các khoản đầu tư ở Tribeco. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, giám đốc đối ngoại của Kinh Đô, đơn vị này không còn liên quan về vốn và quản trị ở Tribeco.

 

Tribeco đã lỗ kéo dài từ 3 – 4 năm nay. Trong năm 2011, chi phí bán hàng tăng mạnh do đầu tư xây dựng lại hệ thống phân phối và củng cố đội ngũ bán hàng nên Tribeco đã lỗ 92,45 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hụt 26 tỉ đồng. Tribeco đã huỷ niêm yết tự nguyện từ tháng 4 năm nay. Kế hoạch năm 2012, Tribeco sẽ tiếp tục lỗ ở mức gần 140 tỉ đồng.

 

Vậy việc giải thể sẽ khiến Tribeco ngừng hoạt động? Tribeco (được gọi là Tribeco Sài Gòn) từng góp 36% vốn vào Tribeco Bình Dương và 80% vào Tribeco Miền Bắc. Theo một lãnh đạo vừa từ nhiệm của Tribeco, Tribeco Sài Gòn tập trung bán hàng và phân phối; còn Tribeco Bình Dương quản lý hoạt động mua hàng, R&D, logistics, và các bộ phận liên quan đến sản xuất. Đến năm 2010, Tribeco Sài Gòn đã bán toàn bộ phần vốn ở hai công ty này cho Uni-President. Việc tồn tại hai công ty cùng một chủ đã khiến Tribeco Sài Gòn trở nên... thừa thãi. Vì vậy, theo kế hoạch, Tribeco Sài Gòn sẽ bị giải thể, thanh lý tài sản và mua thu hồi 25% cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ với giá 2.300 đồng/cổ phiếu.

 

Như vậy, theo một chuyên gia kinh tế, thay vì tái cấu trúc công ty sẽ tốn kém nhiều chi phí, như chi phí sa thải công nhân..., thì Uni-President cho Tribeco phá sản, cắt giảm bộ máy sẽ nhẹ gánh hơn. Nếu Uni-President mua lại toàn bộ phần vốn thành công, thì Tribeco mới sẽ trở thành doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.

 

Các báo cáo thường niên của Tribeco cho thấy, một yếu tố dẫn đến sự thua lỗ là đầu tư tài chính chồng chéo, các khoản trích lập dự phòng, trong khi phải đi vay ngân hàng một lượng vốn lớn để kinh doanh. Ngoài ra, báo cáo cũng không nói rõ hơn về các khoản thanh lý tài sản cố định hữu hình. Theo đó, tài sản cố định hữu hình của Tribeco vào đầu năm 2008 là 256 tỉ đồng, đến cuối năm 2008 giảm mạnh còn 68,6 tỉ đồng. Cho đến báo cáo quý 4/2011, tài sản này chỉ còn 7,8 tỉ đồng.

 

Năm 2005, ông Phan Minh Có, tổng giám đốc Tribeco thời điểm ấy đã nói, bị thâu tóm đã mở ra cơ hội. Việc có hai cổ đông lớn sẽ tốt cho Tribeco, khi họ cùng nhau xây dựng hệ thống phân phối, đa dạng sản phẩm.

 

Đến nay, lãnh đạo của Tribeco trước kia đã rời đi hết. Không ít nhà đầu tư cho rằng, Uni-President đã là cổ đông lớn của công ty, thì việc báo lỗ Tribeco chẳng có lợi gì cho họ. Tuy nhiên, thị trường không phải không có lý khi đặt ra nghi vấn Tribeco đã bị thôn tính, bởi với kinh nghiệm của mình, Uni-President có thể đưa thương hiệu Tribeco thoát khỏi lỗ và đi lên.

 

Theo Hồng Sương

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm