1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao những tin đồn chấn động “sống” được trên thị trường tài chính?

(Dân trí) - “Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường tài chính ngân hàng hiện nay đang có nhiều dữ liệu để cho những tin đồn xuất hiện. Và nó cũng tạo ra những động lực, lợi ích cũng như thiệt hại cho rất nhiều đối tượng có liên quan”.

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Minh Phong (ảnh) khi trao đổi với PV Dân trí.

 

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Minh Phong (ảnh) khi trao đổi với PV Dân trí.

 

Ngày 21/2, thị trường tài chính chao đảo sau tin đồn Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt. Điều này cho thấy điều gì, thưa ông?

 

Trước hết phải khẳng định, sự việc này không phải là cá biệt duy nhất và dường như đang có xu hướng mở rộng trong thời gian gần đây. Thời gian trước đã có nhiều tin đồn nguy hại được tung ra, như Ngân hàng nhà nước tiến hành đổi tiền hay nhiều nhân sự tài chính cấp cao bị đồn dính vòng lao lý thời gian trước và sau khi bầu Kiên bị bắt, đang cho thấy xu hướng lặp lại.

 

Nó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là tin đồn “ký sinh” vào kinh tế thị trường như một bạn đồng hành, trục lợi từ cách thức cạnh tranh không lành mạnh hoặc thăm dò phản ứng của xã hội nhân sự kiện nào đó.

 

Thứ 2, nó cho thấy kẽ hở của pháp lý. Tôi cho rằng, quy định xử lý những kẻ tung ra tin đồn chưa nghiêm nên các tin đồn nguy hại vẫn có đất tồn tại.

 

Thứ 3, một lần nữa cho thấy sự bất cập của cơ chế thông tin. Nếu như các thông tin nhằm minh bạch hóa được đưa ra kịp thời hơn, các phản ứng trước những tin đồn đó nhanh nhạy, hiệu quả hơn thì sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, không để lại hậu quả.

 

Các tin đồn lan tỏa và gây nhiều thiệt hại như vậy, có thể nói gì về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý?

 

Như tôi đã nói, cơ chế phản ứng với các tin đồn của mình còn bất cập. Cả về pháp lý cũng như về mặt xã hội. Xã hội thì phần nào đó mình thông cảm vì dân thì thiếu thông tin. Vả lại, tin đồn được đưa ra lại thuộc diện nhạy cảm như vậy, do vậy, họ có động lực để duy trì và… háo hức nghe.

 

Còn về phía các cơ quan chức năng, cần tiếp tục có thay đổi, cải tiến cơ chế giải trình và cơ chế minh bạch các thông tin. Nếu như các thông tin dạng này mà có cơ chế kiểm chứng minh bạch thì hết ngay. Nhưng vướng ở chỗ, các thông tin đối chiếu so sánh phản chứng thì không có. Các cơ chế giải trình chưa đầy đủ, cụ thể nên các tin đồn vẫn còn đất để tồn tại.

 

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện thị trường như hiện nay, những tin đồ như vậy có mảnh đất màu mỡ để phát triển?

 

Đúng. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường tài chính ngân hàng hiện nay đang có nhiều dữ liệu để cho những tin đồn kiểu đấy xuất hiện. Và nó cũng tạo ra những động lực, lợi ích cũng như thiệt hại cho rất nhiều đối tượng có liên quan.

 

Trong đó, đặc biệt là hiện tượng gây sóng trên thị trường chứng khoán. Việc mất các giá trị chứng khoán trên thị trường trong thời gian ngắn cũng giống như một điểm đặc trưng của kinh doanh bất động sản. Một tin đồn chỉ trong nháy mắt có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Đây chính là cơ chế để giới đầu cơ tạo sóng và tranh thủ hớt sóng. Nhưng theo nghiên cứu của tôi, có dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu cơ lại chịu thiệt hại nặng do chính sóng của mình tạo ra. Họ đã không làm chủ được “sóng” này. Vì thế các nhà đầu tư cũng như cơ quan chức năng phải hết sức chú ý.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, giới đầu tư chứng kiến liên tiếp hai tin đồn là phá giá tiền đồng và Chủ tịch BIDV bị bắt. Theo ông, ai sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ những tin đồn này?

 

Tôi cho rằng, tin phá giá tiền đồng không phải tin đồn mà chỉ là hệ quả của một số trả lời phỏng vấn của chuyên gia này, chuyên gia khác, báo chí giật lên làm title, thu hút bạn đọc. Ngân hàng nhà nước đã kịp thời trả lời, giải tỏa nghi ngại và áp lực.

 

Hơn nữa, tin đồn đó chỉ gây ra hiện tượng tăng giá nhất thời, mang lại nguồn lợi không lớn cho vài “ông” buôn lậu đô la nhỏ lẻ, không tạo sóng “dữ” như tin đồn bắt giữ ông Trần Bắc Hà sau đó.

 

Người hưởng lợi lớn nhất từ tin đồn này chắc chắn là những người lướt sóng, biết xử lý kịp thời các thông tin về tạo sóng và lướt sóng để trục lợi từ thị trường chứng khoán.

 

Nếu có tìm ai được hưởng lợi nhiều nhất, thì tìm ở hai nhóm. Thứ nhất là nhóm cạnh tranh với nạn nhân bị tung tin đồn, thứ 2 là những người chuyên mua bán lớn. Thí dụ như trong vụ tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà, nhà đầu tư nào mua vào các cổ phiếu liên quan thì chắc chắn nằm trong diện tình nghi có liên quan trực tiếp đến tin đồn.

 

Bài học gì cho các nhà đầu tư sau sự việc này, thưa ông?

 

Nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là những người có liên quan về lợi ích với công ty bị tung tin đồn phải hết sức thận trọng. Một là trực tiếp tìm hiểu các thông tin chính thống, kể cả gọi điện thoại trực tiếp tới nơi bị tung tin, cơ quan chức năng hoặc các chuyên gia để có ý kiến phản hồi chính thức.

 

Thứ hai là quan sát một cách tinh tường hơn những động thái có liên quan. Ví dụ khi tìn đồn bắt ông Trần Bắc Hà bung ra, xuất hiện hiện tượng mua vét nhiều chứng khoán thì dứt khoát đó là tin nhiễu nhằm trục lợi bất chính.

 

Tôi nhấn mạnh, phải biết cách quan sát để nắm bắt được đúng trạng thái tin đồn để không trở thành nạn nhân hay không làm nặng nề hơn hậu quả mà tin đồn mang lại.

 

Phúc Hưng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm