Vì sao NHNN cần độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng?

Gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố vàng SJC sẽ trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN, đơn vị này phải độc quyền quản lý, sản xuất vàng miếng, điều này không những đúng về lý thuyết mà còn đúng cả về thực tế.

Ông Bình khẳng định, NHNN sẽ làm việc với Thành ủy TP HCM (hiện đang là đơn vị chủ quản của SJC) để chuyển Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC sang trực thuộc NHNN và vàng miếng SJC sẽ trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN. Điều này đã thể hiện rõ quan điểm: NHNN sẽ giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng vì SJC hiện đã chiếm 90% thị phần.
 
Vì sao NHNN cần độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng? - 1
Thương hiệu vàng miếng SJC sẽ thuộc về ngân hàng nhà nước
 
Trên thực tế, tại Việt Nam, vàng miếng từ lâu đã được coi là thứ hàng hóa đặc biệt, có đầy đủ các thuộc tính tiền tệ. Vàng được coi là “vịnh tránh bão” trong bối cảnh lạm phát cao, đồng tiền bị mất giá, các kênh đầu tư khác bấp bênh, giá vàng lại liên tục tăng.
 
Thói quen tích trữ vàng của người dân cũng có từ lâu, cộng với các yếu tố đầu cơ, lũng đoạn thị trường làm cho tình trạng vàng hóa càng thêm trầm trọng. Nếu Nhà nước không quản lý được thị trường vàng, tình trạng vàng hóa sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và gây mất ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, gây mất ổn định tỷ giá.  Chưa kể, thay vì dồn vốn vào sản xuất kinh doanh, người dân lại đổ xô tích trữ vàng sẽ gây lãng phí nguồn vốn trong xã hội.
 
Trên thế giới, vai trò tiền tệ của vàng từ lâu đã được coi trọng. Trong bối cảnh đồng USD liên tục mất giá trong rổ tiền tệ thì giá vàng thế giới vẫn tăng phi mã. Nói cách khác, thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chỉ có vàng mới có đủ vai trò và trọng lượng làm thay đổi quy luật lệ thuộc vào đồng USD của các nền kinh tế mới nổi. Giá vàng thế giới tăng mạnh không những thể hiện giá trị của vàng mà còn cho thấy vàng đang phục hồi lại chức năng tiền tệ vốn có của nó. Vai trò tiền tệ của vàng còn thể hiệu qua việc các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng mua vàng dự trữ.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từ đầu năm 2011 đến nay, Ngân hàng Trung ương các nước đã mua vào 208,9 tấn vàng, riêng quý III/2011 đã mua 150 tấn vàng. Gần đây, các ngân hàng Trung ương châu Á liên tục dự trữ ngoại tệ bằng vàng. Đặc biệt là cú “gây sốc” từ Chính phủ Trung Quốc đột ngột cho công bố về trữ lượng dự trữ vàng của nước này đã tăng đột biến, cải thiện vị trí dự trữ vàng của họ từ thứ sáu với tổng lượng dự trữ lên tới gần 745 tấn.  

Không những thế, tại nhiều nước chỉ có Ngân hàng Trung ương mới được phép sản xuất vàng miếng, việc mua bán vàng miếng phải tuân theo các điều kiện khắt khe và chịu sự giám sát đặc biệt của Nhà nước. 

Còn tại Việt Nam, thực tế cho thấy, những động thái điều hành của cơ quan quản lý hay định hướng của các chính sách quản lý đều tác động mạnh đến sự biến động của giá vàng.

Khẳng định vàng là thứ hàng hóa đặc biệt có dấu hiệu tiền tệ, ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cũng khẳng định, Nhà nước cần quản lý vàng miếng như quản lý tiền tệ. Tiền đồng do NHNN độc quyền phát hành, do vậy vàng miếng cũng cần phải do NHNN độc quyền sản xuất, quản lý. Điều đó là phù hợp với xu thế mới của các nước trên thế giới, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Theo phân tích của một số chuyên gia, nếu theo hướng độc quyền quản lý có lẽ sẽ là một lựa chọn “khôn ngoan” hơn của NHNN. Thay vì trực tiếp kiểm soát việc xuất – nhập khẩu vàng miếng, NHNN sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp thực hiện việc này. Nhưng khác với việc có nhiều nhãn hiệu vàng miếng khác nhau như hiện nay, tất cả các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đều chung một nhãn hiệu SJC. Hay nói cách khác, SJC trở thành một nhãn hiệu tập thể về vàng miếng của Việt Nam chất lượng được kiểm soát hoàn toàn bởi NHNN Việt Nam.

Với cách thức quản lý này, NHNN sẽ không phải trực tiếp tham gia kinh doanh nhưng vẫn nắm được đầy đủ thông tin về thị trường vàng miếng như số lượng vàng miếng đang lưu thông trên thị trường, bao nhiêu vàng miếng được sử dụng cho mục đích sản xuất trang sức hay công nghiệp, và bao nhiêu vàng miếng được sử dụng cho mục đích đầu tư.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc mua – bán vàng tài khoản ở nước ngoài trên thế giới để phòng ngừa rủi ro.

Thêm nữa, với khả năng quản lý khác nhau, các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng mang nhãn hiệu tập thể SJC hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhau để cung ứng cho thị trường mức giá tốt nhất. Rõ ràng, với cách thức quản lý này, người dân sẽ thực sự được hưởng lợi, trong khi NHNN vẫn có khả năng quản lý và điều tiết được thị trường.

Theo Phương Trâm
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm