Tranh chấp tại Công ty CP Hữu Nghị (Hà Nội):

Vì sao nhiều năm không thể đại hội cổ đông?

(Dân trí) - Những vụ việc "lình xình" liên tiếp tại Công ty CP Hữu Nghị (23 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa có hồi kết khi nhiều năm trôi qua các cổ đông không có dịp ngồi lại với nhau trong một kỳ đại hội để thực hiện quyền làm chủ của mình.

Ngay từ khi Công ty CP Hữu Nghị (Công ty) mới cổ phần hóa (CPH) tháng 5/1999 từ tiền thân là một DNNN, hai nhóm cổ đông đã mâu thuẫn sâu sắc về quyền lợi và kéo nhau ra tòa chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.
 
Từ đó đến nay, hoạt động của Công ty liên tục bị đình đốn vì những "núi" đơn từ và nhiều vụ án từ hành chính tới hình sự. Mâu thuẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống khi nhóm cổ đông không điều hành liên tục gửi đơn khiếu nại quyết định của UBND quận Ba Đình về việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình đang có tranh chấp là KS Hữu Nghị (23 Quán Thánh).
 
Vì sao nhiều năm không thể đại hội cổ đông? - 1
Công ty CP Hữu Nghị được cho phép cải tạo trụ sở khi đang xảy ra tranh chấp.

Theo tìm hiểu của PV, quyết định này được ký vào ngày 29/11/2010, cho phép Công ty "cải tạo nâng cấp khách sạn Hữu Nghị". Các cổ đông khiếu nại cho rằng với quyết định này, nhóm cổ đông điều hành mà cụ thể là bà Nguyễn Thị Bích Lan - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Huy Chiều - Giám đốc sẽ thoải mái cải tạo KS để phục vụ cho 2 hợp đồng giao khoán mà vì đó bà Lan và ông Chiều đã bị chính nhóm cổ đông này kiện năm 2007.

Vụ kiện này cũng đang rơi vào thinh không, dù cơ sở để phục hồi xét xử đã có. Vụ kiện xuất phát từ việc Công ty ký hợp đồng giao khoán trụ sở 23 Quán Thánh cho 2 công ty khác với tổng giá trị 2 hợp đồng là 450.000 USD. Trong đơn kiện, các cổ đông yêu cầu TAND TP Hà Nội hủy 2 hợp đồng này vì đã vi phạm Luật Doanh nghiệp, chưa được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Ngày 27/9/2007, TAND TP. Hà Nội đã đình chỉ vụ án vì lý do, căn cứ vào bản án phúc thẩm số 122/2007/HCPT (của một vụ án khác!) ngày 8/6/2007 của TAND tối cao thì "hiện nay chưa có đại diện theo pháp luật của Cty CP Hữu Nghị". Cụ thể, bản án này tuyên hủy GCN ĐKKD do Trưởng Phòng ĐKKD thuộc sở KT-ĐT Hà Nội cấp cho Công ty ngày 2/6/2006.

Tuy nhiên, sau đó Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra Quyết định Giám đốc thẩm số 02 ngày 11/12/2007, công nhận giá trị pháp lý của tấm GCN này, đồng nghĩa với việc thừa nhận người đại diện theo pháp luật của Công ty chính là ông Chiều. Như vậy lý do tạm đình chỉ vụ án giao khoán trụ sở đã hết, nhưng không hiểu vì sao đến nay vụ án vẫn chưa được TAND TP Hà Nội phục hồi xét xử, khiến vụ tranh chấp tiếp tục "giằng co" gần 4 năm trời.

Cũng chính vì điều này, quyết định cấp phép ngày 29/11/2010 của UBND quận Ba Đình càng khiến các cổ đông khiếu nại lo lắng, nhất là khi UBND quận này đang mâu thuẫn với chính mình: năm 2007, khi việc lãnh đạo Công ty cải tạo KS Hữu Nghị bị các cổ đông không điều hành phát hiện, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Xây dựng Đô thị không thụ lý hồ sơ cấp phép cải tạo khi các cổ đông còn có tranh chấp”.

Cứ như vậy, suốt 12 năm từ ngày CPH, những khúc mắc giữa các cổ đông Công ty chưa hề ngã ngũ, mà còn tiếp tục bị đẩy lên cao hơn vì những mâu thuẫn chồng lên nhau.

Mới đây nhất, trong các ngày 31/3 và 14/4/2011, bà Lan - nhân danh Chủ tịch HĐQT Công ty gửi văn bản đến Phòng ĐKKD số 1 (Sở KH-ĐT Hà Nội) đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Tuy nhiên, trong công văn trả lời (ngày 26/4), Phòng ĐKKD số 1 cho rằng HĐQT của Công ty được bầu từ năm 2002 đã hết nhiệm kỳ (theo Luật Doanh nghiệp) nhưng Công ty không tiến hành đại hội cổ đông bầu HĐQT mới theo quy định mặc dù các cổ đông đã nhiều lần kiến nghị.

Công văn ngày 26/4 cũng cho rằng "đã và đang vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cổ đông". Phòng đề nghị Công ty "đảm bảo quyền lợi của các cổ đông trong việc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông hàng năm để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tranh chấp trong nội bộ công ty".

Trong những lá đơn của mình, nhóm cổ đông cũng chỉ mong  UBND quận Ba Đình dừng việc xây dựng tại 23 Quán Thánh đến khi cuộc tranh chấp kéo dài về tài sản của Công ty được giải quyết bằng một đại hội cổ đông, nơi tất cả các cổ đông được thực hiện quyền làm chủ của mình và tìm tiếng nói chung cho khối tài sản lớn nằm trên khu "đất vàng" nhưng đã nhiều năm không "đẻ trứng vàng".

Hồng Ngân