Vì sao Ngân hàng Nhà nước "ưu ái" cho hơn 500 nghìn tỷ đồng vốn rẻ?

(Dân trí) - Với quy mô tổng tín dụng cho nền kinh tế hiện ở khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, nguồn vốn có giá trị chi phí thấp từ tín dụng ngoại tệ tương ứng vào khoảng hơn 500 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Ngược lại, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoán giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toan mà pháp luật quy định đồng tiefn giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Quy định này được thực hiện hết ngày 31/12/2018.


Doanh nghiệp được vay ngoại tệ đến hết năm 2018 (ảnh minh họa).

Doanh nghiệp được vay ngoại tệ đến hết năm 2018 (ảnh minh họa).

NHNN cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, trong đó có đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu, vì vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tín dụng ngoại tệ tính đến tháng 11/2017 đã tăng mạnh, ước tăng 12,3% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5,8%.

Tỷ trọng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 11/2017 đã chiếm khoảng 8,2% tổng tín dụng. Với quy mô tổng tín dụng cho nền kinh tế hiện ở khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, nguồn vốn có giá trị chi phí thấp từ tín dụng ngoại tệ tương ứng vào khoảng hơn 500 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cho vay trên nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, đây là nguồn vốn có chi phí thấp, với lãi suất vay thường thấp hơn từ 2-4%/năm so với vay bằng VND, tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí giá thành sản phẩm, qua đó tăng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu.

Hiện lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,6-6%/năm.

Còn mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND hiện phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

An Hạ

Vì sao Ngân hàng Nhà nước "ưu ái" cho hơn 500 nghìn tỷ đồng vốn rẻ? - 2