1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô vào thời điểm hiện nay?

Động thái này sẽ nhắm vào nhiều mục tiêu trong “cuộc chiến” giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Vào ngày cuối cùng của năm 2014, Tổng thống Mỹ Obama đã lặng lẽ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô tồn tại ở nước này suốt 40 năm qua. Đây là động thái được ví như một phát súng nhắm vào nhiều mục tiêu trong “cuộc chiến” giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Ngay sau khi xác nhận thông tin, giá dầu Brent tại thị trường London (Anh) lập tức hạ đáy chỉ còn 56,85 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York (Mỹ) cũng giảm còn 53,2 USD/thùng.

Chọn lựa thời cơ

Theo giới quan sát, thời gian gần đây Mỹ đã vượt qua cả Arab Saudi và Liên bang Nga để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Khi đã trở thành quốc gia sản xuất dầu số một thì Mỹ có thể tự cho mình cái quyền chi phối thị trường và hướng tới thoát khỏi sự phụ thuộc vào OPEC - khối dầu mỏ lớn nhất hành tinh đã từng làm khó cho Mỹ.

Mỹ hiện cũng là nước đầu tiên và duy nhất đang nắm bản quyền về công nghệ khai thác dầu từ đá phiến ở cấp độ thương mại. Dầu này lại không nằm trong danh mục dầu thô nên có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên tác động mạnh đến nguồn cung trong nước và không trực tiếp ảnh hưởng đến lệnh cấm xuất khẩu dầu thô đã được áp đặt từ những năm 1970.

Mỹ đang hướng đến mục tiêu kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu. (Ảnh: KT)
Mỹ đang hướng đến mục tiêu kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu. (Ảnh: KT)

Đây cũng là động thái tạo áp lực lên thị trường dầu mỏ cả trong và ngoài nước, trong bối cảnh cạnh tranh với OPEC và các nước trong khối này, nhất là Arab Saudi, đang chiếm thị phần lớn tại thị trường Mỹ. Mặt khác, xét về thời gian thì đây là lúc thích hợp nhất để gia tăng đòn tiến công với các đối thủ cạnh tranh, vì còn gần 6 tháng nữa OPEC mới họp lại và sản lượng khai thác đầu giảm hay không mới được định đoạt.

Giới phân tích cho rằng, ở góc độ chiến lược cạnh tranh thì Mỹ đã chọn đúng vào lúc “thiên thời - địa lợi” và có thể cả “nhân hòa” vì khả năng đồng thuận của lưỡng viện quốc hội và cử tri Mỹ là tương đối cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có sự phục hồi và tăng trưởng vững chắc.

Tận dụng lợi thế

Trong giới quan sát có ý kiến cho rằng, Mỹ chọn thời điểm cho phép xuất khẩu dầu thô trong bối cảnh giá dầu luôn phá đáy có vẻ như nghịch lý, mâu thuẫn… Nhưng thực ra không phải như vậy, vì trong cuộc chiến trên thương trường dầu mỏ thế giới, kẻ thắng sẽ thuộc về quốc gia nào có giá thành sản phẩm thấp hơn, nhất là nhờ công nghệ tiên tiến.

Trên thực tế, Mỹ đã và đang sở hữu công nghệ mới mang tính đột phá trong lĩnh vực khai thác dầu từ đá phiến, khiến giá thành dầu siêu nhẹ ở Mỹ đã giảm xuống thấp hơn nhiều so với chi phí khai thác dầu truyền thống, nên các doanh nghiệp sản xuất đã có cuộc vận động chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Vì thế, trong cuộc cạnh tranh lần này Mỹ đã có lợi thế hơn hẳn các nước vẫn phụ thuộc vào công nghệ truyền thống.

Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi vững chắc, giá dầu hạ còn được coi là chất xúc tác, kích thích nền kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn. Đồng USD đang tăng giá kỷ lục khiến cho thị trường nội địa Mỹ sôi động hơn giúp cho kinh tế Mỹ có thể lấy lại vị thế là đầu tàu và là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Vì thế, giới chức Mỹ đang có kỳ vọng lớn vào những động thái có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô.

Một mũi tên nhằm nhiều đích       

Động thái nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng được coi là cơ hội để “tấn công” các đối thủ chính trị của Mỹ như LB Nga và Venezuela. Vì Nga là đối thủ giám chặn đà “Đông tiến” của NATO ở Ukraine, còn Venezuela là đối thủ giám đối đầu với Mỹ ở sân sau của họ. Cả hai đối thủ này nguồn thu ngân sách đều lệ thuộc lớn vào dầu mỏ và đang lâm vào suy thoái kinh tế từ cuối năm 2014.

Đây còn là cơ hội để Mỹ “phản công” đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên thị trường dầu mỏ là OPEC. Khối này đã từng cấm vận dầu mỏ đối Mỹ vào năm 1973. Trong bối cảnh thị phần toàn cầu của khối OPEC hiện chỉ còn chiến khoảng 30%, so với 50% cách đây 20 năm, do sự xuất hiện của công nghệ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.

Các nước trong khối OPEC (trừ Venezuela và Iran) các nước còn lại tuy không đối đầu gay gắt nhưng cũng là các nước mà nguồn thu chủ yếu là từ dầu mỏ. Trong đó có Kuwait, Qatar, Arab Saudi… vẫn đang quyết tâm bằng lượng dự trữ để dành chiến thắng trong “cuộc chiến” giá dầu lần này với các quốc gia khác, điều đó giải thích vì sao OPEC đã quyết định không cắt giảm sản lượng khai thác dầu hồi cuối năm vừa qua. 

Và cuối cùng, theo giới phân tích, đây cũng là cơ hội tiếp tục sử dụng dầu làm “bản vị” cho đồng USD đã được xác lập cách đây 43 năm, khi Mỹ tuyên bố bãi bỏ việc đồng USD được bảo đảm bằng vàng.

Hiệu quả vẫn phải chờ

Theo quyết định của Tổng thống Obama, một số doanh nghiệp bắt đầu được xuất khẩu nguyên liệu thô từ tháng 8/2015 tuy ban đầu khối lượng xuất khẩu chưa lớn. Cơ quan an ninh và công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho phép một số công ty năng lượng xuất khẩu nhiên liệu gọi là dầu siêu nhẹ trong bối cảnh dự trữ dầu thô của nước này đạt kỷ lục nhờ công nghệ khai thác dầu từ đá phiến.

Quy định mới nêu rõ sau quá trình sơ chế, dầu siêu nhẹ sẽ được coi là sản phẩm hóa dầu và khi đó sẽ không chịu sự điều chỉnh của lệnh cấm xuất khẩu. Hiện đã có 20 công ty năng lượng đề nghị được BIS cấp phép xuất khẩu. Theo ước tính của viện Brookings tại Washington, năm 2015, Mỹ có thể xuất khẩu khoảng 700.000 thùng/ngày.

Paul Horsnell, chuyên gia thuộc Standard Chartered Plc của London đã nhận định: “Chúng ta sẽ thực sự được thấy giá trị của dầu đá phiến khi giá dầu giảm mạnh” - Trong tương lai không xa, có lẽ dầu diệp thạch này sẽ là cứu cánh cho việc phụ thuộc vào dầu khí của các quốc gia.

Hiện nay, tại Mỹ, lượng cầu về xăng đã giảm đi đáng kể do các loại xe hơi tiết kiệm nhiên liệu đã ra đời cùng với sự gia tăng các phương tiện giao thông công cộng. Mặc dù vậy, cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) vẫn dự báo sản lượng dầu tiêu thụ sẽ vào khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm 2015, tăng so với năm 2014.

Mặt khác, trong dài hạn thị trường đầy hứa hẹn mới đang lớn mạnh đó là Trung Quốc, có thể sẽ là yếu tố giúp cho lượng cầu dầu mỏ thế giới tăng trở lại ở mức ổn định, nhất là khi Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thì nước này có thể thay chân Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, hiệu quả của động thái “ra đòn” cạnh tranh dầu mỏ toàn cầu của Mỹ vẫn còn đang ở phía trước./.

Theo Nguyễn Nhâm
VOV
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm