Vì sao lãi suất USD tăng?
Lãi suất USD của các ngân hàng vừa có sự <a href="http://www2.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/4/176698.vip"> điều chỉnh đồng loạt</a>, tuy nhiên thay vì những cuộc đua trước đó đây là nhu cầu nội tại.
Từ giữa tháng 3/2007, lãi suất USD trên thị trường bắt đầu có sự điều chỉnh mang tính khởi động. Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) là những cái tên đầu tiên được nhắc đến trong đợt điều chỉnh này.
Sự nối tiếp diễn ra đồng loạt ở khối ngân hàng cổ phần với sự tham gia của Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Á châu (ACB)… và cả thành viên của khối quốc doanh là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank).
Qua đợt điều chỉnh, lãi suất huy động USD trên thị trường đã định hình một mặt bằng mới, từ 5 - 5,05%/năm kỳ hạn 12 tháng; cá biệt lên tới 5,25%/năm kỳ hạn 24 tháng. Với mặt bằng mới, chênh lệch lãi suất trong nước với thế giới đã được rút ngắn đáng kể, nhưng mốc 5,25% theo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn là một chốt chặn trong thỏa thuận của các ngân hàng.
Về đợt điều chỉnh này, tính chất nóng sốt của những cuộc đua diễn ra từ cuối năm 2003 đến năm 2006 không còn diễn ra gay gắt, bởi nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh xuất phát từ yêu cầu nội tại của hầu hết các ngân hàng. Tất nhiên, không loại trừ khả năng một số ngân hàng mới chuyển đổi sẽ mạnh tay đua để hút khách hàng về mình.
Điểm đáng chú ý trong diễn biến lãi suất USD từ đầu năm đến nay là vẻ “điềm đạm” khác với sự căng thẳng ở thời điểm cùng kỳ những năm trước. Và phải đến tháng 3, áp lực tăng lãi suất mới thực sự bộc lộ và sự vào cuộc của các ngân hàng mới phổ biến hơn.
Vì sao có sự “điềm đạm” đó? Trước hết có một nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của thị trường chứng khoán. Con số 4 tỷ USD vốn ngoại xếp hàng chờ đổi qua VND để đổ vào thị trường chứng khoán được nhắc đến (có cả trong phát ngôn của một nhà quản lý thị trường, dù con số đó chưa có báo cáo kiểm chứng) như một nguồn cung ngoại tệ dồi dào, xoa dịu áp lực tăng lãi suất.
Ngoài ra, lượng ngoại tệ từ kiều hối tăng mạnh đầu năm cũng là một nguồn cung thuận lợi. Trên thực tế, những nguồn cung trên đã tác động đến tỷ giá hồi đầu năm, theo hướng tăng của đồng nội tệ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãi suất USD đã và đang tăng phổ biến. Phải chăng, có sự thay đổi trong nguồn cung trên thị trường?
Trong các lý giải về quyết định điều chỉnh lãi suất của mình, MB hay SeABank, Techcombank… đều đề cập đến một ý nghĩa là tăng quyền lợi cho khách hàng của mình. Lý giải này mang tính xã giao nhưng rất thực tế trong cuộc cạnh tranh giữ chân khách hàng gửi tiền giữa các ngân hàng thương mại.
Lý do thứ hai được đưa ra là để đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho nhu cầu vay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Đây là lý do cơ bản và là yêu cầu nội tại của hầu hết các ngân hàng hiện nay, khi mà nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu bước vào mùa cao điểm, trong khi nguồn cung ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng không đủ đáp ứng (theo nhận định của Techcombank).
Ông Đặng Bảo Khánh, Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Ngân hàng đại lý Techcombank, cho rằng quyết định tăng lãi suất USD vừa qua là phù hợp với diễn biến của thị trường, đặc biệt là vì mục đích đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp.
Nhu cầu vay ngoại tệ cao, lãi suất tăng, chênh lệch lãi suất với thị trường thế giới bị rút ngắn, theo đó hoạt động chuyển ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài hưởng chênh lãi như trước đây phần lớn bị loại trừ. Đây cũng là một tín hiệu tích cực trong đợt điều chỉnh này, tích cực ở hướng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong nước.
Cũng trong nguyên nhân nguồn cung ngoại tệ, có một điểm đáng chú ý liên quan đến sự dịch chuyển của các dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Thời điểm lãi suất USD bắt đầu tăng cũng trùng hợp “ngẫu nhiên” với xu hướng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Lượng tiền họ thu về, dù không có thống kê cụ thể như chắc chắn là rất lớn, được quy đổi sang USD để hạch toán lợi nhuận, chi trả lợi nhuận… Nguồn cung USD trên thị trường có thêm một lực hút mạnh.
Có một câu hỏi được đặt ra trong đợt điều chỉnh này, đó là tại sao lãi suất tăng khi mà các ngân hàng vừa có được một cơ chế hút ngoại tệ rất thuận lợi? Đó là chủ trương “cởi trói” lãi suất USD đối với tiền gửi của tổ chức, doanh nghiệp vào ngân hàng, thực hiện từ 1/3/2007.
Trên thực tế, các ngân hàng như MB, ACB, Incombank… cũng đã lần lượt nâng lãi suất USD đối với tiền gửi của tổ chức, doanh nghiệp theo cơ chế mới. Mới triển khai, hiệu quả cơ chế mới còn chờ kiểm chứng. Nhưng có một điểm có thể khẳng định là nguồn vốn huy động theo kênh này vẫn hạn chế khi mà đồng vốn của doanh nghiệp thường năng động tìm những hướng đầu tư thu lợi cao hơn, thay vì tìm đến ngân hàng để hưởng lãi hàng tháng.
Theo Minh Đức
VnEconomy