Vì sao kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng không bình thường?

(Dân trí) - Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước 6 tháng qua là 1,8%, thì con số này của Hà Tĩnh chỉ là 0,1%, thấp nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là một điều không bình thường.

Tăng trưởng thấp nhất trong 5 tỉnh Bắc Trung Bộ

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh tại kỳ họp lần thứ 15 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa kết thúc vào sáng ngày 10/7, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đạt 0,1%. Trong đó, ngành công nghiệp đóng góp 0,7 điểm phần trăm; xây dựng góp 0,4 điểm phần trăm; khu vực thương mại, dịch vụ giảm (âm) 1,21 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tính đóng góp 0,23 điểm phần trăm.

Vì sao kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng không bình thường? - 1

Kỳ họp lần thứ 15 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa kết thúc vào sáng ngày 10/7. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh Trần Tú Anh cho hay, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 tỉnh Bắc Trung Bộ và thua xa mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước là 1,81%.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh phân tích, nguyên nhân chính làm cho tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng trưởng thấp chủ yếu là do ngành công nghiệp tăng thấp và khu vực thương mại, dịch vụ giảm mạnh.

Cụ thể, những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó chủ yếu là thép của Công ty Formosa (FHS) và bia Sài Gòn. Trong khi đó, GRDP của Công ty Formosa 6 tháng đầu năm 2020 giảm 102 tỷ so với cùng kỳ 2019, trong khi 6 tháng 2019 tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh đặt ra giả thiết: Nếu 6 tháng đầu năm 2020, Formosa vẫn duy trì được lượng tăng như 6 tháng đầu năm 2019 so với 2018 (tăng 1.165 tỷ đồng), còn các ngành khác bị ảnh hưởng như số liệu được công bố thì GRDP 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh đạt mức tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Anh, nếu loại trừ yếu tố Formosa thì chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng khoảng từ 2 đến 3%.

Vì sao kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng không bình thường? - 2
Sản phẩm thép cuộn của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh

Rõ ràng nhìn những con số nêu trên, đặc biệt là con số tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,1% không chỉ lãnh đạo, mà đông đảo người dân tỉnh Hà Tĩnh đã không thể vui lòng.

Phần đông người dân, cán bộ của tỉnh đang lo lắng cho việc kinh tế tỉnh hiện quá phụ thuộc vào công nghiệp, chủ yếu là phụ thuộc vào nguồn thu từ Formosa, mà thiếu các giải pháp, kịch bản khác để đa dạng hóa nguồn thu. Cũng vì thế không ít đại biểu cho rằng việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của Hà Tĩnh trong 6 tháng cuối năm 10,6% là không tưởng, và việc duy trì đà tăng trưởng như những năm qua sẽ rất khó khăn.  

“Hà Tĩnh liên tục nhiều năm có tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí có năm dẫn đầu toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng năm nay quá thấp - không bình thường nên cần đánh giá rõ điều này. Nếu nói nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh là chưa thỏa đáng vì dịch ảnh hưởng chung cả nước. Phải chăng đó là nguyên nhân nội tại, công tác điều hành, cơ chế chính sách liệu có vấn đề?”- ông Nguyễn Trọng Nhiệu (đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh) bày tỏ sự lo lắng.

Vì sao kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng không bình thường? - 3

Ông Võ Trọng Nhiệu bày tỏ lo lắng về sự phát triển không bình thường của kinh tế Hà Tĩnh.

Chính quyền nhận trách nhiệm

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: Con số 0,1% là kết quả kinh tế tăng trưởng thấp nhất của tỉnh Hà Tĩnh từ sau sự cố môi trường biển xảy ra vào năm 2016. Ông Sơn khẳng định, sự tăng trưởng thấp kỷ lục này một phần nhỏ do yếu tố khách quan (dịch Covid-19), nhưng phần lớn là do yếu tố chủ quan.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đặc biệt nhấn mạnh đến công tác điều hành có nhiều khiếm khuyết của chính quyền và vấn đề này cần được khắc phục một cách khẩn trương.

Vì sao kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng không bình thường? - 4

Ông Lê Đình Sơn khẳng định: Kinh tế Hà Tĩnh tăng thấp kỷ lục trong 6 tháng qua phần lớn là do lỗi chủ quan.

“Phải xem lại trách nhiệm của chúng ta. Xem lại cơ chế chính sách, vận hành, lãnh đạo, chỉ đạo và sản phẩm đầu ra như thế nào. Phải mạnh dạn nhìn thẳng, trả lời thỏa đáng, gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Bởi rằng, nếu không làm rõ, nhìn được mình thì không thể hoàn thành mục tiêu đề ra” – ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Ý kiến của Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh sau đó đã được ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu.

Ông Hưng thừa nhận, về nguyên nhân tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt thấp, ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 thì cơ bản là nguyên nhân chủ quan. Đó là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, công tác chỉ đạo, điều hành trên một số lĩnh vực của các sở, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa sâu sát. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Nhiều chủ trương đề ra đã triển khai thực hiện nhưng chưa bám sát để chỉ đạo, đôn đốc. Chỉ đạo cơ sở, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn chưa nhiều.

Vì sao kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng không bình thường? - 5

Ông Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt trên 43% kế hoạch, vẫn còn có sự chậm trễ, chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra đôn đốc; chưa thực sự mạnh tay thu hồi, điều chuyển.

Về thủ tục đầu tư, phía UBND tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận vẫn còn quá rườm rà, cứng nhắc. Trong đó, ông Trần Tú Anh (Giám đốc Sở KH&ĐT) nêu lên một thực tế khiến rất nhiều đại biểu, người dân giật mình, đó là quá trình thực hiện dự án rất nhiều bước (13 bước), với tổng thời gian thực hiện đối với 1 dự án nếu làm căn cơ, bài bản phải mất… 2 - 5 năm!

Trước những yếu kém này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cam kết với cử tri toàn tỉnh, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

Việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết của chính quyền trong việc cụ thể hóa các mục tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra được các đại biểu tán thành.

Văn Dũng