1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao KEB Hana Bank chưa định tham gia đợt tăng vốn mới tại BIDV?

Vân Khánh

(Dân trí) - KEB Hana Bank, cổ đông lớn thứ hai tại BIDV, "chưa có ý định" tham gia đợt tăng vốn mới của ngân hàng này. Năm 2020, báo cáo cho thấy KEB Hana Bank suy giảm lợi nhuận.

Mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên đang bắt đầu. Là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư chứng khoán. Thông tin được chú ý nhất chính là động thái của KEB Hana Bank, cổ đông lớn thứ hai của của BIDV, trong đợt tăng vốn lần này.

Vì sao KEB Hana Bank chưa định tham gia đợt tăng vốn mới tại BIDV? - 1

Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú báo cáo một số kết quả hoạt động của BIDV năm 2020 (Ảnh: BIDV).

KEB Hana Bank chưa có ý định tăng vốn tại BIDV

Sáng 12/3 vừa qua, BIDV đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Một trong những thông tin quan trọng nhất chính là việc BIDV lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng (tương đương 20,6%) lên 48.524 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn được công bố bao gồm: Phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%); phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Bên cạnh đó, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV - cho biết, khá nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư quan tâm nhưng do dịch Covid-19 nên họ đang cân nhắc đầu tư.

Đáng chú ý hơn, ông Tú cũng cho biết, tất cả nội dung tăng vốn điều lệ đều đã thông báo với phía KEB Hana Bank, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn thứ hai tại BIDV chỉ sau Ngân hàng Nhà nước. KEB Hana Bank đang nắm "kịch trần" 15% vốn BIDV.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT BIDV, do điều kiện cuối năm tài chính năm 2020, KEB Hana Bank chưa có ý định tham gia đợt phát hành này vì mức giảm tỷ lệ sở hữu cũng không đáng kể.

Vừa thành cổ đông chiến lược BIDV, KEB Hana Bank đã "lãi" gần 3.000 tỷ đồng

KEB Hana Bank, tiền thân là Hana Bank của Hàn Quốc, thâm nhập thị trường Việt Nam đã lâu nhưng gần như chưa tạo được tiếng vang. Năm 2019, KEB Hana Bank trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi quyết định trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.

Động thái của KEB Hana Bank là cú hích lớn vì giống như Vietcombank, BIDV đã có thời gian dài chật vật tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Vào ngày 31/10/2019, BIDV hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền BIDV thu được sau thương vụ này là hơn 20.295 tỷ đồng, từ đó tăng vốn điều lệ thêm 6.033 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.

Đóng cửa tháng 10/2019, cổ phiếu BID dừng ở mức 38.600 đồng/cổ phiếu. Điều đó có nghĩa giá mà KEB Hana Bank phải trả để sở hữu 15% BIDV rẻ hơn thị giá 4.960 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi thương vụ kết thúc, KEB Hana Bank tạm "lãi" 2.992 tỷ đồng.

Vì sao KEB Hana Bank chưa định tham gia đợt tăng vốn mới tại BIDV? - 2

BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ (Ảnh: BIDV).

Thắng đậm nhờ "kết hôn" BIDV sau 5 năm "khai sinh"

KEB Hana Bank thậm nhập vào thị trường Việt Nam bằng thương hiệu Hana Bank. Thời gian đầu, Hana Bank chưa có nhận diện tốt khi có rất ít phòng giao dịch tại Việt Nam.

Vào tháng 9/2015, Hana Bank và KEB sáp nhập, từ đó hình thành KEB Hana Bank. Trước thương vụ này, cả hai ngân hàng đã hoàn thành việc thành lập các công ty con ở nước ngoài, chẳng hạn như ở Trung Quốc và Indonesia, vào cuối năm 2014.

KEB Hana Bank là đơn vị thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group Hàn Quốc). Nhờ kết hợp với BIDV, tín hiệu tích cực đầu tiên mà KEB Hana Bank nhận được chính là độ phủ sóng thương hiệu vì BIDV là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, sở hữu lượng khách hàng đông đảo. Ngoài ra, BIDV và KEB Hana Bank cũng hợp tác phát triển thẻ cho KEB Hana Bank.

Còn về tài chính, KEB Hana Bank đã "thắng đậm". Đóng cửa phiên giao dịch 12/3/2021, cổ phiếu BIDV dừng ở mức 43.350 đồng/cổ phiếu, tăng 9.710 đồng/cổ phiếu, tương đương 29%. Như vậy, phần cổ phiếu thuộc sở hữu của KEB Hana Bank tại BIDV tăng thêm 5.858 tỷ đồng.

Ngoài ra, KEB Hana Bank còn được nhận cổ tức. Năm 2019, BIDV dành 3.220 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 8% để chi trả cổ tức. Với việc nắm giữ 15% vốn ngân hàng, KEB Hana Bank nhận được số tiền 483 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, BIDV đề xuất phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Nếu phương án này được thực hiện, KEB Hana Bank sẽ có thêm 73,32 triệu cổ phiếu. Tính theo thị giá BID ngày 12/2/2021, lượng tài sản này có giá trị 3.178 tỷ đồng.

KEB Hana Bank có thiếu tiền?

Trong tổng thể phương án tăng vốn, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Theo giới phân tích, đây là phần mà KEB Hana Bank "chưa có ý định" tham gia. 

Nếu tất cả phương án đều được thực hiện, tổng số cổ phần của BIDV sẽ tăng lên hơn 4,85 tỷ. Tỷ lệ sở hữu của KEB Hana Bank tại BIDV sẽ giảm từ 15% xuống 13,94%.

Còn nếu mua thêm cổ phần theo tỷ lệ sở hữu, KEB Hana Bank sẽ có thêm 51,22 triệu cổ phiếu. Tính theo thị giá BID ngày 12/3, lượng cổ phiếu này trị giá xấp xỉ 2.221 tỷ đồng. Còn tính theo mệnh giá, phần tài sản này tương đương 512 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là liệu vấn đề chưa muốn tham gia vào đợt tăng vốn của BIDV của KEB Hana Bank có liên quan đến câu chuyện tài chính? Thực tế, cả lãnh đạo BIDV và phía KEB Hana Bank không chia sẻ về lý do cổ đông ngoại này chưa có ý định tham gia đợt phát hành trên.

Theo báo cáo của Hana Financial Group, KEB Hana Bank - một đơn vị của tập đoàn này - đã công bố mức tăng thu nhập ròng trong quý IV/2020 từ 348,48 tỷ won lên 355,68 tỷ won. Còn tính chung cả năm 2020, KEB Hana Bank có thu nhập ròng là hơn 2,010 nghìn tỷ won, giảm so với mức 2,140 nghìn tỷ won của cùng kỳ 2019. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm