Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc vung tiền không tiếc tay cho Euro 2020?
(Dân trí) - Những công ty này đang bỏ tiền ra để tiếp cận thị trường nước ngoài đồng thời xây dựng uy tín trên phạm vi toàn cầu đối với người mua sắm ở quê nhà.
Sau khi hãng thiết bị gia dụng Hisense trở thành nhà tài trợ Trung Quốc đầu tiên của giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA Euro) vào năm 2016, ba doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng đã ký kết tài trợ cho mùa giải năm nay.
Những công ty này đang bỏ tiền ra để tiếp cận thị trường nước ngoài đồng thời xây dựng uy tín trên phạm vi toàn cầu đối với người mua sắm ở quê nhà.
"Các thương hiệu Trung Quốc không sử dụng bóng đá chỉ để tiếp thị sản phẩm cho người tiêu dùng Trung Quốc mà còn mở ra thị trường mới, đặc biệt là châu Âu", Pierre Justo - Giám đốc điều hành mảng quốc tế, truyền thông và thể thao tại công ty tư vấn Kantar - cho biết.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã khuyến khích các công ty trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp cũng thúc đẩy quảng bá thương hiệu bằng cách bán hàng ra nước ngoài.
Hisense có trụ sở tại Thanh Đảo, tỉnh Quảng Đông. Hãng cho biết, đến năm 2025, mục tiêu thị trường nước ngoài sẽ chiếm một nửa tổng doanh thu, trị giá khoảng 23,5 tỷ USD. Con số này gấp 3 lần con số 7,93 tỷ USD mà họ đã kiếm được ở thị trường nước ngoài vào năm ngoái khi đại dịch xảy ra.
Nhà sản xuất tivi và đồ gia dụng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, doanh số bán hàng tại châu Âu của họ đã gấp đôi so với cách đây một năm, nhờ nhu cầu về tủ lạnh ở Pháp tăng vọt.
Hisense bắt đầu thâm nhập thị trường châu Âu cách đây hơn 10 năm và cho biết bây giờ họ đã có hơn 8.000 nhân viên tại các văn phòng ở Đức, Tây Ban Nha và 20 nước khác ở châu lục này. Công ty này cũng đã tài trợ cho giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018 và đã ký hợp đồng tài trợ cho mùa giải này năm 2022.
Một nhà tài trợ khác của Trung Quốc là công ty sản xuất điện thoại thông minh Vivo cũng cho biết, họ đã chính thức có mặt tại 6 nước châu Âu vào tháng 10 năm ngoái. Vivo tuyên bố họ sẽ có hơn 400 triệu người dùng tại hơn 50 quốc gia.
Danh sách đầy đủ về các nhà tài trợ của Euro 2020 hiện vẫn chưa được công bố song những nhà tài trợ mà Liên đoàn bóng đá châu Âu liệt kê trên trang web của mình bao gồm Công ty năng lượng Nga Gazprom, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen và công ty chuyển phát nhanh Mỹ FedEx.
Alipay của Alibaba và TikTok của ByteDance cũng là những cái tên xuất hiện tại các sân cỏ châu Âu trong mùa giải năm nay diễn ra vào tháng 6 và tháng 7.
Euro 2020 kéo dài một tháng bắt đầu từ ngày 11/6, đã bị hoãn từ năm ngoái do đại dịch. Trong giải gần đây nhất là vào năm 2016, có 2 tỷ người theo dõi các trận đấu của giải bóng đá châu lục này qua các chương trình truyền hình trực tiếp. Trong đó, người dân Trung Quốc và Brazil ngày càng quan tâm tới giải đấu này, theo một báo cáo của UEFA do AP trích dẫn.
Vào năm 2018, Alipay đã đồng ý tài trợ 8 năm cho giải bóng đá này bao gồm Euro 2020 và Euro 2024 với giá trị 200 triệu euro (tức 238,5 triệu USD), theo Financial Times. Đối với Euro 2020, thỏa thuận của Alipay bao gồm hiển thị quảng cáo cho các công ty con ở cả bản tiếng Anh và tiếng Trung.
UEFA nói rằng họ không thể tiết lộ chi phí hợp tác với các thương hiệu Trung Quốc "do các điều khoản bảo mật". Ant Group - công ty mẹ của Alipay - cũng từ chối xác nhận quy mô của thỏa thuận hợp tác kéo dài 8 năm trên.
Một công ty Trung Quốc khác cũng đang tìm kiếm lợi nhuận từ giải đấu này là iQiyi. Công ty này đã mua lại bản quyền phát trực tuyến trực tiếp các trận đấu của Euro 2020. Điều này đã thu hút lượng khách truy cập đáng kể cũng như cơ hội hợp tác kinh doanh với các thương hiệu như Volvo, Heineken, Volkswagen và Meituan, ông Lingxiao Yu - Giám đốc điều hành của iQiyi Sports cho biết. Trước đó, tốc độ tăng trưởng về người đăng ký xem qua nền tảng này chỉ ở mức 100 triệu lượt, trong khi công ty đã báo lỗ 193,4 triệu USD trong quý đầu tiên.