1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao có vụ “lùm xùm” mở 4 kiện hành lý thất lạc tại Nội Bài?

(Dân trí) - Theo lý giải của Cục Hàng không VN, việc kiểm tra trực quan 4 kiện hành lý thất lạc này được tiến hành do không có sự hợp tác của phía Hải quan. Ngược lại, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội cho biết phía Hải quan không nhận được yêu cầu phối hợp nào.

Vì sao có vụ “lùm xùm” mở 4 kiện hành ly thất lạc tại Nội Bài?

Nhóm nhân viên Cảng vụ và an ninh đang phá khoá để kiểm tra kiện hành lý thất lạc của khách (Ảnh do phía Hải quan cung cấp)
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


* SBIC sẽ đóng nhiều tàu kiểm ngư, tàu cá

* Đà Nẵng "cấm cửa" 4 nhà thầu không đảm bảo năng lực

* Bình Dương: Sập công trình cầu vượt, 1 công nhân thiệt mạng
*
Giá USD tại các ngân hàng đồng loạt giảm nhẹ

Để tìm hiểu rõ việc các nhân viên Cảng vụ Hàng không Miền Bắc mở 4 kiện hành lý thất lạc, việc làm mà Cảng vụ và Cục Hàng không Việt Nam gọi là “kiểm tra trực quan”, còn Chi cục Hải quan Nội Bài và Cục Hải quan Hà Nội coi là “tự ý mở niêm phong Hải quan”, PV Dân trí đã trao đổi với đại diện các bên.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc kiểm tra trực quan an ninh đối với 4 kiện hành lý thất lạc tại sân bay Nội Bài có đủ các thành phần thực thi nhiệm vụ là đúng quy trình, riêng Hải quan không cử đại diện tham gia kiểm tra theo đề nghị. 

Cụ thể, vẫn theo Cục Hàng không, 4 kiện hành lý bị thất lạc tại ga quốc tế đến, sau khi chuyến bay VN662 của Vietnam Airlines từ Singapore đáp xuống sân bay Nội Bài chiều hôm 29/5. Khoảng 20 giờ cùng ngày, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc đã tổ chức kiểm tra trực quan an ninh đối với những kiện hành lý này tại khu vực giám sát của hải quan Nội Bài, được lập biên bản và có camera ghi hình.

Để thực hiện hiện kiểm tra, Cảng vụ đã mời đại diện các cơ quan, trực Trung tâm điều hành bay, Trung tâm An ninh hàng không, Trung tâm điều hành Xí nghiệp thương mại mặt đât Nội Bài (Niagas), hãng vận chuyển Vietnam Airlines và Chi cục Hải quan Nội Bài. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Chi cục Hải quan Nội Bài không cử đại diện tham dự.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, cả 4 kiện hàng đều được mở tung để giám sát hàng hóa, hành lý để bên trong. Kết quả là không có hàng hóa, vật dụng nguy hiểm nên được chuyển vào lưu kho theo đúng quy định.

Theo Cục này, trong quá trình kiểm tra, đại diện hải quan Nội Bài không đến tham dự như đề nghị nhưng lại có thái độ ngăn cản không cho an ninh hàng không mở các kiện hành lý và cho rằng an ninh hàng không đã làm sai quy trình, tự ý phá khóa hành lý của hành khách khi không có chủ nhân chứng kiến.

Vẫn tin từ Cục Hàng không Việt Nam nói, chiều ngày 4/6, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hàng không Việt Nam đã họp để rút kinh nghiệm về những bất cập trong việc phối hợp triển khai kiểm tra an ninh hàng không đối với hàng hóa thất lạc, vô chủ của các chuyến bay quốc tế.

 “Tại sân bay quốc tế Nội Bài, lực lượng an ninh hàng không chỉ kiểm tra được hành lý thất lạc của các chuyến bay nội địa, còn hành lý thất lạc từ chuyến bay quốc tế đến thì không thể kiểm tra vì hải quan không hợp tác” - đại diện Cục Hàng không Việt Nam lý giải.

Cục Hàng không cho rằng, Hải quan Nội Bài không cho an ninh hàng không mượn máy soi nên an ninh hàng không buộc phải kiểm tra trực quan đối với những hành lý thất lạc như hôm 29/5 vừa qua.

Trả lời về vấn đề này, chiều ngày 5/6, ông Nguyễn Văn Trường - Cục trưởng Hải quan thành phố Hà Nội cho biết: trong sự việc này, phía hải quan không nhận được yêu cầu hợp tác, phối hợp nào. 

Trước ý kiến của Cục Hàng không về việc không nhận được sự hợp tác của lực lượng Hải quan trong việc kiểm tra các kiện hành lý nói trên, ông Trường khẳng định: "Cục Hàng không chứng minh được việc đơn vị này phối hợp mà Hải quan không phối hợp thì khi ấy phía Hải quan mới cần đưa ra câu trả lời".

Cũng theo phía Hải quan, việc nhóm nhân viên cảng vụ hàng không miền Bắc tự ý mở hành lý thất lạc của khách hàng để kiểm tra đã vi phạm vào điểm 1, điều 11 thuộc Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Theo quy định này, các hành vi vi phạm như: Vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hải quan mà không có lý do xác đáng; Tự ý phá niêm phong hải quan; Tự ý thay đổi bao bì, nhãn hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan; Không bảo quản nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan hoặc hàng hóa được giao bảo quản theo quy định của pháp luật chờ hoàn thành việc thông quan; Lưu giữ hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất không đúng địa điểm quy định có thể bị phạt tới 20 triệu đồng.

Theo phía Hải quan, trong sự việc trên, nhóm nhân viên cảng vụ hàng không miền Bắc đã phá niêm phong Hải quan. Cán bộ Hải quan đã ra yêu cầu ngừng lại nhưng nhóm nhân viên này không chấp hành mà vẫn dùng kìm phá khoá hành lý của khách hàng.

Tiếp tục dẫn quy định, phía Hải quan cho rằng các nhân viên cảng vụ hàng không miền Bắc tuyệt đối không được mở hành lý của khách hàng. Cơ quan Hải quan có chức năng khởi tố vụ án và điều tra nên nếu hành lý có dấu hiệu bất thường thì phải có lệnh của cơ quan Hải quan mới được mở ra để kiểm tra chứ không phải trách nhiệm của nhân viên cảng vụ hàng không.

Nói về việc nếu Chi cục Hải quan Nội Bài không hợp tác, tại sao Cảng vụ không báo cáo với lãnh đạo cấp trên để xử lý mà lại tiến hành mở hành lí để kiểm tra trực quan, ông Lại Xuân Thanh cho biết: Hải quan có nhiệm vụ của hải quan, an ninh có nhiệm vụ của an ninh. Chúng tôi không có trách nhiệm phải báo cáo mà có thẩm quyền để thực hiện độc lập công việc này nhằm đảm bảo an ninh an toàn hàng không. Trước khi kiểm tra trực quan chúng tôi đã đề nghị hảo quan Nội Bài tham gia nhưng họ không cử đại diện phối hợp.

"Từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều lần họp bàn và chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị phối hợp công tác nhưng phía hải quan không tích cực hợp tác. Thậm chí, Ủy ban An ninh hàng không Quốc gia cũng có văn bản yêu cầu phối hợp, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị hải quan phối hợp nhưng họ vẫn không thực hiện" - ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, cùng thực hiện nhiệm vụ này, Chi cục hải quan tại Cảng Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đang phối hợp rất tốt, chỉ riêng Nội Bài là không tích cực hợp tác.

* Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.

Châu Như Quỳnh - Lê Tú

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm