Vì sao chuyển tiền online từ 500 triệu đồng phải báo cáo?

Thảo Thu

(Dân trí) - Từ 1/12 năm nay, giao dịch tiền mặt trong nước từ 400 triệu đồng trở lên cần báo cáo. Riêng với chuyển tiền điện tử, mức từ 500 triệu đồng trở lên đã phải báo cáo. Vì đâu có quy định này?

Giao dịch phải báo cáo: Tiền mặt từ 400 triệu đồng, điện tử từ 500 triệu đồng

Theo Thông tư 09/2023 mới nhất, từ 1/12 năm nay, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ cần báo cáo về từng giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương.

Thông tư này là văn bản hướng dẫn Quyết định 11/2023 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng. Còn với giao dịch điện tử, mức phải báo cáo là từ 500 triệu đồng.

Trước đó, việc báo cáo các giao dịch lớn lần đầu được quy định tại Nghị định 74/2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền.

Tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm).

Tại Quyết định số 20/2013 quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo do Thủ tướng Chính phủ ban hành là từ 300 triệu đồng.

Thông tư 35 ngày 31/12/2013 sau đó hướng dẫn thực hiện quy định về phòng, chống rửa tiền chỉ nêu khi thực hiện giao dịch có giá trị lớn, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng văn bản.

Đến khi Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35, có hiệu lực từ 26/12/2014, việc báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử mới được đề cập rõ hơn. 

Vì sao chuyển tiền online từ 500 triệu đồng phải báo cáo? - 1

Phòng chống rửa tiền là nghiệp vụ đã được thế giới đặt ra từ hàng chục năm nay (Ảnh: Mạnh Quân).

Cụ thể, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương.

Quy định này cũng được áp dụng với chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam, trị giá từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giao dịch tương đương.

Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm 2022 trình dự thảo kiến nghị giữ nguyên mức 300 triệu đồng như quy định từ năm 2013 để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Vì sao chuyển tiền từ 500 triệu đồng trở lên cần báo cáo?

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng quyết định, nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.

Nghiệp vụ phòng chống rửa tiền cũng được nhiều nước trên thế giới đặt ra từ hàng chục năm nay và nhiều tổ chức thậm chí có hiệp ước để cùng phối hợp.

Hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Mỹ được quy định các tổ chức tài chính phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Riêng đối với các cơ quan chức năng được quyền hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra nếu thấy cần thiết.

Australia cũng thực hiện hệ thống báo cáo giao dịch tiền tệ tương tự. Bất kỳ một giao dịch tiền tệ nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD tại đây đều phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Những dữ liệu này sau đó được truyền tự động tới Cơ quan Báo cáo giao dịch tiền tệ.

Tại Nhật Bản, các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên.

Singapore, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Philippin… đều có các văn bản về chống rửa tiền với những phạm vi và mức độ khác nhau. 

Việc giám sát và báo cáo giao dịch này, cũng từng làm cho người dân và doanh nghiệp lo ngại, thậm chí không muốn có mối liên hệ với ngân hàng vì có cảm giác tài sản của mình luôn bị theo dõi.

"Nếu phải báo cáo sẽ tạo thêm áp lực tâm lý, khách hàng luôn lo sợ vì bất kỳ lúc nào cũng có thể bị thẩm vấn nguồn gốc những đồng tiền đang có trong tài khoản", một khách hàng trả lời phóng viên Dân trí trước câu hỏi về yêu cầu phải báo cáo giao dịch từ 500 triệu đồng mới đây.

Tuy nhiên, các quy định được áp dụng nhiều năm nay không hạn chế giao dịch tiền mặt, mà chỉ nhằm theo dõi những giao dịch không bình thường, phục vụ mục đích bất hợp pháp. Cơ quan chức năng sẽ tự giám sát và nếu có vấn đề gì mới "ra tay", chứ hoàn toàn không cản trở hay công bố số liệu được báo cáo.