Vì sao châu Á còn ít thương hiệu mạnh?
Theo thống kê, chỉ có 4 trong số những thương hiệu nổi tiếng nhất mang gốc tịch châu Á: Sony, Honda, Toyota và Samsung. Có rất nhiều lý do tại sao đến giờ phút này, các công ty châu Á vẫn chưa tạo dựng được những thương hiệu toàn cầu.
Có thể kể đến những lý do sau đây.
Thứ nhất, sự đa dạng hoá của nền kinh tế khiến mỗi doanh nghiệp thường tham gia vào rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Như vậy rất khó để xây dựng một chiến lược thương hiệu phù hợp, rõ ràng và khác biệt để xây dựng một thương hiệu doanh nghiệp bao quát tất cả mọi lĩnh vực.
Thứ hai, ở châu Á, các doanh nghiệp thường bao gồm nhiều công ty nhỏ, thường là công ty gia đình với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau với phương châm quản lý thường trú trọng những mục tiêu ngắn hạn hơn là dài hạn.
Ngoài ra, việc thực thi luật sở hữu trí tuệ ở châu Á đã trở thành một trở ngại lớn trong việc xây dựng thương hiệu khiến nhiều công ty châu Á bị thiệ thại nặng nề do những xâm phạm bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ ngay tại sân nhà.
Nhưng có một lý do quan trọng nhất, đó chính là tư duy của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Á. Xây dựng thương hiệu phải được dẫn dắt bởi người lãnh đạo cao nhất công ty và bởi một ban giám đốc cam kết coi xây dựng thương hiệu là một chiến lược bắt buộc cũng như sắn sàng giành ra những nguồn lực đáng kể cho xây dựng thương hiệu.
Thương hiệu có ý nghĩa thúc đẩy gia tăng giá trị như thế nào?
Giá trị thương hiệu là tài sản vô hình nhưng nó lại là lý do chính để giá trị cổ phiếu mua bán trên thị truờng thường xuyên vượt qua gía trị sổ sách. Do đó, sức mạnh của giá trị thương hiệu là một chỉ số cho kết quả tài chính trong tương lai.
Trên thị trường chứng khoán New York và Nasdaq, tài sản vô hình chiếm tới 50-75% tỷ lệ huy động vốn của những công ty niêm yết, chủ yếu tính theo giá trị thương hiệu. Việc huy động vốn dễ dàng của các công ty có thương hiệu mạnh chứng minh rõ ràng rằng thị trường luôn đánh giá rất cao loại tài sản vô hình này.
Vai trò của ban giám đốc trong vấn đề xây dựng thương hiệu?
Vai trò của ban giám đốc biết trú trọng đến thương hiệu thể hiện ở 3 đặc tính khác biệt so với những doanh nghiệp ít trú trọng về thương hiệu hơn:
- Ý thức và lòng tin của ban giám đốc đối với thương hiệu
- Các kỹ năng để xây dựng và quản lý thương hiệu
- Sự phân bổ hợp lý các nguồn lực tổ chức và tài chính để đạt được các mục tiêu kinh doanh khác nhau và xây dựng giá trị thương hiệu bền vững.
Về đối nội, nhiệm vụ của ban giám đốc là chấn chỉnh và quản lý những điểm giao tiếp với khách hàng chứ không phó thác hoàn toàn cho phòng marketing.
Về đối ngoại, giám đốc các công ty châu Á có thể giúp xây dựng danh mục thương hiệu bằng cách xuất hiện nhiều hơn bên ngoài trong vai trò phát ngôn viên chính cho tầm nhìn và chiến lược thương hiệu.
Cuối cùng, ban giám đốc phải nhận ra tầm quan trọng của quản lý nguồn lực trong xây dựng thương hiệu. Do đó, cột mốc cuối cùng để xây dựng thương hiệu châu Á mạnh chính là sự tập trung, định vị và quản lý các nguồn lực về tổ chức và tài chính.
Theo Thời báo KTVN