Vì sao các “đại gia” chuyển hướng xây nhà xã hội?

(Dân trí) - Trong bối cảnh khó khăn, hàng loạt các đại gia bất động sản đã chuyển hướng thay đổi đầu tư từ nhà thương mại sang nhà xã hội...

Vì sao các “đại gia” chuyển hướng xây nhà xã hội?
Nhà ở xã hội là lời giải bài toán định cư cho người có thu nhập trung bình, đồng thời là lối thoát cho thị trường BĐS hiện nay?
 
Hai tháng qua, đã có ba lần Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng gặp gỡ doanh nghiệp để đặt ra đầu bài về nhà xã hội. Tới lần gặp thứ ba thì dường như bài toán nhà xã hội đã được giải khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành khẳng định sẽ dành phần lớn diện tích đất để xây nhà xã hội.
 
Ông Đoàn Châu Phong, PTGĐ Tổng công ty Vinaconex cho biết, tại khu đô thị Bắc An Khánh, Tổng công ty có 18,5 ha đã được chấp thuận chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Hiện đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ, phương thức thực hiện, dự kiến sẽ khởi công vào quý I/2013.
 
Ngoài ra, nếu được TP Hà Nội chấp thuận, Vinaconex sẽ triển khai tiếp dự án 50 ha tại khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì) rất thuận tiện về giao thông, hạ tầng, phát triển theo mô hình đô thị nhà ở xã hội. Ông Phong khẳng định: Các doanh nghiệp nòng cốt trực thuộc Tổng công ty Vinaconex đều đã đăng ký tham gia chương trình nhà ở xã hội.
 
Đại diện của Tập đoàn Nam Cường, Tổng công ty HUD có mặt trong buổi gặp gỡ cũng khẳng định sẽ dành diện tích nhất định dự kiến xây nhà thương mại sẽ chuyển đổi sang nhà xã hội.
 
Vì sao các doanh nghiệp lớn xây dựng lại chuyển hướng xây nhà xã hội khi mà trên thực tế nhà xã hội lâu nay được xem là nghĩa vụ phải thực hiện nhiều hơn là hiệu quả kinh doanh?.
 
Giải thích về sự chuyển hướng này, một đại diện doanh nghiệp kinh doanh nhà thứ phát cho hay: “Chưa bao giờ xây nhà xã hội sướng như bây giờ. Thị trường ảm đạm, tìm đầu ra khó khăn, xây nhà xã hội đầu ra của nhà xã hội được Nhà nước phân bổ theo chính sách nhóm đối tượng ưu tiên”.
 
Theo vị chủ đầu tư này thì giờ chỉ có một bài toán để giải nhà xã hội là “cơ cấu giá” giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Theo những thông điệp được phát đi từ người đứng đầu ngành Xây dựng thì sẽ là lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp và không để bên nào chịu thiệt về giá thành.
 
Ngoài ra, trong buối gặp gỡ các doanh nghiệp để hiện thực hóa gia tăng dự án xây nhà xã hội thì các doanh nghiệp tiên phong này cũng “tranh thủ” đưa ra với Bộ trưởng Bộ Xây dựng một loạt các giải pháp cứu thị trường cũng là ưu đãi doanh nghiệp.
 
Tập đoàn Nam Cường kiến nghị cần hạ lãi suất cho vay xuống 10%/năm thay vì 18%/năm như hiện nay; thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm còn 15%, thuế giá trị gia tăng giảm còn 5% cho người mua nhà ở thương mại.
 
Một dự án khác tại Tây Nam Linh Đàm quy mô 49ha dành 19ha dành phát triển nhà ở chỉ có 2,4ha dùng xây dựng nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp này đang điều chỉnh lên tới 8-9ha và để lại 10ha làm nhà ở thương mại. Để làm điều này, HUD đề nghị thành phố Hà Nội cho phép tăng mật độ dân số do dự án nằm ngoài vành đai 3.
 
Theo nhận định của chuyên gia trong Tổng hội Xây dựng thì thời điểm hiện nay, Nghị định mới về Nhà ở xã hội nếu được Thủ tướng phê duyệt sẽ có diện tích tối thiếu 25m2 đến 30m2 tùy từng dự án, ngoài ra thời gian người mua nhà được phép chuyển nhượng từ 10 năm xuống còn 5 năm sẽ làm tăng giá trị thương mại của nhà ở xã hội.
 
Bởi vậy, theo vị chuyên gia này việc xây nhà xã hội thực sự là giải pháp cứu chính các doanh nghiệp hiện nay nên việc một số doanh nghiệp đặt vấn đề ưu đãi riêng cho từng dự án xây nhà xã hội nếu được chấp nhận sẽ tạo ra cơ chế không minh bạch với các đối tượng khác trong ngành.
 
Vân Nhi