Vi phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi
(Dân trí) - Hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi và “nguy cơ” này sẽ ngày càng gia tăng khi Việt Nam mở cửa rộng rãi hơn. Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong đã có cuộc trao đổi khá cởi mở với Dân trí xung quanh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phong cho biết: Những năm gần đây, hoạt động đảm bảo thực thi quyền SHTT nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đã được nhà nước ta quan tâm và bước đầu có hiệu quả.
Nhiều vụ việc xâm phạm quyền SHTT đã được các cơ quan thực thi phát hiện, xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự và dân sự. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều, xuất hiện nhiều những hành vi xâm phạm tinh vi hơn trước đây.
Nhưng thưa Bộ trưởng, có một số ý kiến cho rằng cơ quan bảo vệ là Toà án vẫn giữ một vai trò khá mờ nhạt trong việc thúc đẩy hơn nữa bảo hộ quyền SHTT?
Tòa án giữ một vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vi phạm về SHTT. Khi xảy ra vi phạm quyền SHTT, trước nhất phải là hoà giải, tự thương lượng giữa các bên, sau đó mới tính đến xử phạt hành chính. Nếu khi xử phạt hành chính rồi mà vẫn còn vi phạm thì bên liên quan sẽ đưa ra các cơ quan tòa án.
Mặc dù theo Luật sở hữu trí tuệ còn có giải pháp là đền bù thiệt hại gây cho người tiêu dùng hoặc người chủ sở hữu nhưng tất cả những vi phạm SHTT ở Việt Nam hiện nay, xử lý dân sự vẫn chủ yếu là phạt hành chính. Chúng tôi nhìn nhận do công tác xử lý vi phạm SHTT hiện nay còn rất mới mẻ, anh em bên toà án còn mỏng nên chưa tổ chức được những tòa riêng biệt để xử lý những vụ vi phạm về SHTT mặc dù các nước đã có.
Theo Bộ trưởng, đến bao giờ vai trò của tòa án mới rõ ràng hơn?
Chúng ta đang hội nhập và tôi nghĩ trách nhiệm của cơ quan tòa án phải hoàn thành việc đó cùng với hội nhập của chúng ta. Theo dự trù, đến 2016 Việt Nam được thế giới công nhận có nền kinh tế thị trường, chúng tôi nghĩ tòa án phải làm sớm hơn.
Vậy còn thông tin cho rằng việc cấp giấy chứng nhận SHTT tại Việt Nam chậm hơn các nước khác?
Ngay sau khi Luật SHTT ban hành thì Chính phủ cũng ban hành Nghị định hướng dẫn khẳng định thời gian xem xét cấp các văn bằng chứng chỉ hoặc những gì liên quan đến SHTT.
Tôi xin khẳng định, việc cấp các văn bằng chứng chỉ liên quan đến SHTT của Việt Nam không chậm hơn các nước khác. Nếu có chậm, đó là do hệ thống thống kê dữ liệu của chúng ta về những đối tác liên quan đến đối tượng muốn xác lập quyền SHTT còn quá ít. Trong khi đó, bản thân người muốn xác lập cũng không biết thông tin khác có liên quan.
Thưa Bộ trưởng, thời gian tới Bộ KHCN có kế hoạch gì nhằm cải thiện việc cấp các chứng nhận liên quan đến SHTT?
Cải thiện cũng phải có lộ trình, không thể trong ngày một ngày hai được. Tôi xin khẳng định lại, việc cấp phép của chúng ta không chậm hơn các quốc gia khác. Hiện nay các cơ quan SHTT ở Nhật Bản, Thụy Sỹ và một số quốc gia khác đang hỗ trợ chúng ta về mặt công nghệ và đào tạo.
Với vai trò là đầu mối tổng hợp về hoạt động bảo vệ quyền SHTT cả nước, Bộ trưởng có kế hoạch phối hợp như thế nào với các bộ ngành khác để đẩy mạnh hơn nữa viêc này?
Mở rộng các lĩnh vực, một số bộ ban ngành khác cùng tham gia vào chương trình 168 (Ngày 19/1/2006 Bộ KHCN, Bộ VHTT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Bộ Công an, sau đó có bổ sung Bộ Bưu chính Viễn thông ký kết Chương trình Hành động 168 về hợp tác và phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giao đoạn 2006-2010 – PV).
Thành lập một Ban chỉ đạo hoặc Ban điều phối tầm quốc gia để thực hiện chương trình hành động này. Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về bảo hộ quyền SHTT. Tập trung xây dựng lực lượng có tính chuyên nghiệp cao trong việc bảo hộ quyền SHTT, từ công tác xác lập quyền đó đến việc thực thi tư vấn cho doanh nghiệp, người dân…
Trên thực tế, việc tranh chấp quốc tế thực chất đi vào độc quyền thương mại nhưng liên quan mật thiết đến quyền SHTT. Rõ ràng chúng ta phải có lực lượng am hiểu luật pháp quốc tế, am hiểu để vận dụng những điều luật không chỉ của Việt Nam.
Tăng cường nguồn lực tài chính để hoạt động thực thi bảo hộ quyền SHTT vì hiện nay công tác rất vất vả. Hải quan cũng nói, quản lý thị trường cũng nói, với tư cách là thành viên chính phủ tôi cũng rất ủng hộ phương cách này.
Hiện nay đang có những chương trình đào tạo riêng về SHTT ở một số trường đại học nhưng số lượng sinh viên còn ít, chương trình phổ cập còn ít. Thời gian tới, Bộ KHCN sẽ kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện hơn nữa để chương trình học này thu hút được nhiều sinh viên hơn.
“Khó khăn mà các cơ quan ban ngành gặp phải là tâm lý chung của người tiêu dùng cũng như của những người kinh doanh xuất nhập khẩu còn có biểu hiện tiêu cực dẫn đến những vi phạm có khi chỉ là vô ý. Điều này dẫn đến sự hợp tác cũng có phần hạn chế.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong việc bắt giữ, xử lý vi phạm vẫn còn bất cập. Rõ ràng, chúng ta cần có văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản pháp lý phải chi tiết hơn nữa mới vừa giúp cơ quan thực thi làm tốt công việc của mình vừa tránh phiền phức cho doanh nghiệp.
Thứ nữa là có quỹ phòng chống việc vi phạm SHTT, hỗ trợ lực lượng chuyên trách. Mặt khác, nên có hệ thống trao đổi thông tin hữu hiệu hơn nữa, ví dụ như cơ sở dữ liệu mà các cơ quan thực thi pháp luật truy cập vào đó, giúp họ làm việc tại cơ sở thuận tiện hơn”.
(Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Vũ Ngọc Anh) |
Phúc Hưng (thực hiện và ghi)