Về công nghệ, Việt Nam tụt hậu so với các nước Đông Nam Á hơn 40 năm
(Dân trí) - Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam đủ các văn bản pháp lý và sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, nhưng chủ yếu mới là sự hỗ trợ về mặt văn bản, chưa có hỗ trợ về công nghệ. Mỗi địa phương hiện có 2 trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không có con người và cơ sở vật chất đủ trình độ về công nghệ, kỹ thuật. Đây là câu chuyện khiến Việt Nam đang không đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là chia sẻ của TS Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) tại Hội thảo thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) sáng nay 16/9.
Theo vị tiến sĩ đến từ Nhật, qua thời gian nghiên cứu mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản nhận thấy thực tế là: Việt Nam có đầy đủ văn bản pháp lý nhưng tính thực thi lại hạn chế. Tại các cơ quan bộ, ngành trung ương, địa phương có nhiều cơ quan hỗ trợ, nhiều văn bản pháp lý khác nhau.
Tuy nhiên, ông Sakurada cũng chỉ rõ, "ở Việt Nam, chính sách phát triển cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chủ yếu vẫn tập trung vào hỗ trợ hành chính, các thủ tục đầu tư, viết form mẫu... Điều này khác với việc hỗ trợ ở Nhật, chúng tôi chủ yếu hỗ trợ về mặt công nghệ và kỹ thuật. Đây là điểm khác biệt lớn của Việt Nam và Nhật Bản bởi chúng tôi đã phát triển CNHT hơn 100 năm qua".
Trên thực tế, ngoài các trung tâm hỗ trợ của Bộ, ngành thì các địa phương tại Việt Nam đều có trung tâm hỗ trợ CNHT. Hiện, Việt Nam có 63 tỉnh thành, các trung tâm hỗ trợ đều được đặt ở các tỉnh. Theo khảo sát của nhóm chuyên gia đến từ Nhật, hiện mỗi tỉnh đều có hai trung tâm, hai hệ thống trợ giúp.
Một trung tâm hỗ trợ nằm ở Sở KH&ĐT hỗ trợ khi DN khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ, hướng dẫn chính sách của Chính phủ, hỗ trợ điều tra thị trường, kết nối kinh doanh... Tiếp nữa là ở các Sở Công Thương cũng có Trung tâm khuyến công cung cấp thông tin, lời khuyên, tư vấn quản lý doanh nghiệp...
"Nhu cầu của các DN vừa và nhỏ về mặt công nghệ, kỹ thuật chưa được đáp ứng đầy đủ, trong khi đó những hỗ trợ chính sách, thực tiễn của cơ quan Nhà nước chưa trùng khớp với nhu cầu DN", vị chuyên gia Nhật nêu rõ.
Ông Sakurada nhấn mạnh: "Những trung tâm khuyến nông, hỗ trợ DNNVV thì lại không có nhân viên có hiểu biết hoặc có trình độ công nghệ kỹ thuật để tư vấn cho DN. Nếu DN cần tư vấn, các trung tâm này cũng không đáp ứng được cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Rõ ràng đây là câu chuyện lớn, điều đó khiến Việt Nam đang không đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù các DNVVN đang có 2 cơ quan hỗ trợ tại tỉnh thành nhưng hầu như không có tác dụng".
Do đó, TS Sakurada thẳng thắn nói: "Về công nghệ, kỹ thuật Việt Nam đang tụt hậu hơn so với các nước Đông Nam Á hơn 40 năm. Cần học tập, kinh nghiệm và chia sẻ của các nước đã đi trước. Chính phủ Việt Nam hiện đang đầu tư nhiều nguồn lực và con người nhưng các DN lại không biết tới. Như vậy, rõ ràng chúng ta đã mất đi các nguồn lực. Ở các địa phương, các trung tâm hỗ trợ không hay biết DN cần gì và các DN cũng không biết đến trung tâm đang có gì cả".
Nguyễn Tuyền