1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

VDB sẽ ưu tiên cho vay các dự án có độ rủi ro lớn

Quỹ Hỗ trợ phát triển vừa nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng - Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). VDB sẽ vận hành ra sao? Báo giới đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc VDB xung quanh vấn đề này.

Đâu là sự khác biệt về “chất” giữa VDB và Quỹ Hỗ trợ phát triển (DAF)?

 

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VDB được thành lập dựa trên Luật các tổ chức tín dụng và Luật Ngân sách nhà nước. Do đó khác biệt căn bản là VDB hoạt động theo hình thức ngân hàng. Các sản phẩm sẽ đa dạng hơn.

 

Tuy nhiên, do là ngân hàng thực hiện chính sách nên VDB chịu sự điều chỉnh của Luật Ngân sách, kế thừa mọi quyền lợi, trách nhiệm từ Quỹ Hỗ trợ phát triển.

 

Hoạt động của VDB không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. VDB được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

 

VDB được phép huy động vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

 

VDB cho vay đầu tư phát triển; hỗ trợ sau đầu tư; bảo lãnh tín dụng đầu tư, cho vay xuất khẩu; bảo lãnh tín dụng xuất khẩu; bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh hợp đồng xuất khẩu.

 

Ông có thể nói rõ hơn về chính sách tín dụng ưu đãi của VDB?

 

Như trên tôi đã nói, VDB sẽ thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu do Chính phủ quy định. Nói về vay ưu đãi cần hiểu cặn kẽ hơn và toàn diện hơn, không nên bó hẹp là bao cấp về lãi suất vốn vay.

 

VDB sẽ ưu tiên cho vay các dự án có độ rủi ro lớn mà tư nhân hoặc các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp ngần ngại không đầu tư, nhất là ở những địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. VDB không tính đến lợi nhuận của bản thân VDB khi đầu tư, nhưng dự án phải có hiệu quả chắc chắn thì VDB mới cho vay.

 

Ưu đãi nữa là thời gian vay vốn, VDB cho vay những dự án lớn có thời gian hoàn trả vốn dài đến 10 năm, thậm chí 15 năm-điều mà ít ngân hàng thương mại có thể làm được.

 

Bên cạnh đó, phần lớn các dự án sẽ được vay, sẽ đảm bảo tiền vay bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay. Trường hợp phải thế chấp thì chỉ cần thế chấp 30% là đã có thể vay 100%. Tới đây tỷ lệ này dự kiến hạ xuống còn 15%.

 

Đây chính là những ưu đãi rất lớn mà nhiều ngân hàng thương mại không có được. Như vậy, VDB không chỉ ưu đãi về lãi suất cho vay như trước đây nữa.

 

Nhiều khả năng chúng ta sẽ gia nhập WTO vào cuối năm nay. Việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đầu tư và xuất khẩu hàng hóa liệu có vi phạm các quy định của tổ chức này?

 

Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì cùng Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách, hoạt động của VDB. Ban soạn thảo đang tham khảo ý kiến của đoàn đàm phán gia nhập WTO để không vi phạm các thông lệ quốc tế trong hoạt động hỗ trợ.

 

Cũng cần nói thêm rằng, hội nhập sâu, nhưng chúng ta vẫn phải vận dụng các chính sách ưu đãi cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

 

Trong lần chuyển đổi này VDB sẽ làm gì để lành mạnh hóa và minh bạch hóa tình hình tài chính, thưa ông?

 

Khi thành lập DAF, Chính phủ đã cấp 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ. Nhưng đó không phải là “tiền tươi” mà chiếm đến một nửa là các dự án bàn giao từ Tổng cục Đầu tư phát triển.

 

Cho đến bây giờ xử lý vấn đề nợ của các dự án bàn giao này vẫn chưa được dứt điểm. Đó cũng là điều chúng tôi cần rút kinh nghiệm cho lần chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình ngân hàng.

 

Để chuyển sang ngân hàng, chúng tôi đang tổ chức kiểm kê và bàn giao vốn, tài sản và nhân sự để rõ ràng, minh bạch hóa các vấn đề tài chính.

 

Mang tên mới nhưng liệu nghiệp vụ ngân hàng của đội ngũ nhân viên có tương xứng?

 

Đây không phải là chuyển một cái tên mà chuyển đổi hoạt động của cả hệ thống theo mô hình hoạt động mới phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập.

 

Do đó vấn đề con người là ưu tiên số một. VDB có thuận lợi lớn là đội ngũ cán bộ hiện nay trên 80% có trình độ đại học. Trên nền tảng đó, chúng tôi tiếp tục đào tạo nghiệp vụ ngân hàng mà trọng tâm là nghiệp vụ thanh toán và quản trị ngân hàng.

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn