VCB và CTG: Bên tám lạng người nửa cân?

Tiếp theo Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG) sẽ tiến hành niêm yết 121,2 triệu CP (chiếm 10,77% vốn điều lệ) vào ngày 16/7 tới. Mức giá giao dịch ngày đầu tiên là 5.0 bằng với giá chào sàn của VCB, nhưng liệu kịch bản có xảy ra giống VCB không?

VCB và CTG: Bên tám lạng người nửa cân? - 1
Tại buổi IPO VietinBank cuối năm 2008.
 
Tương quan CTG và VCB

So với VCB, việc niêm yết của CTG gặp nhiều bất lợi hơn do TTCK đang trong xu hướng giảm điểm. Mặc dù tăng trần 20% trong ngày chào sàn nhưng tính đến phiên giao dịch ngày 14/7, giá cổ phiếu VCB đã quay về dưới vạch xuất phát.

Nếu như thị trường không chấp nhận trả cao hơn mức giá 50.000 đồng đối với VCB, liệu CTG có giữ được mức giá này khi chào sàn?

Thứ nhất, xét trên góc độ tài chính, CTG xem ra cũng không hấp dẫn hơn VCB. ROE của hai CP này đều xấp xỉ ở mức 15 - 18% trong vòng 3 năm vừa qua. Về mặt định giá, với mức giá chào sàn 50.000 đồng, chỉ số PIB năm 2009 của CTG ở mức 4,3 lần, cao hơn so với mức 3,9 lần của VCB.

Tuy nhiên, nếu xét về góc độ lợi nhuận thì P/E năm 2009 theo kế hoạch của CTG có vẻ như đắt hơn - với mức 30 lần. Tỷ suất cổ tức của CTG chỉ ở mức 2%, thấp hơn so với mức 2,51% của VCB.

Ở đây, cần phải nói thêm rằng, nợ xấu cũng không phải là vấn đề quá lo ngại đối với NĐT. Phần lớn NĐT trên TTCK Việt Nam đều mang tính ngắn hạn, mức độ gắn bó với doanh nghiệp không lâu. Do vậy, họ có thể bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn từ nợ xấu và chỉ chú ý đến những nhân tố ngắn hạn như cổ tức và lợi nhuận năm tới.

Vì vậy, khó có thể nói tỷ lệ nợ xấu thấp của CTG (1,02%) là một lợi thế so với VCB (4,04%) khi chào sàn. Chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu CTG vài ba năm sẽ khó xảy ra ở mức giá chào sàn. Những NĐT dạng này nếu quyết định đầu tư thì đã tham gia lúc IPO Vietinbank.

Thứ hai, mặc dù VCB và CTG gần như có cùng vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ gần như nhau, nhưng VCB lại có mức thặng dư vốn cao hơn rất nhiều do trước đây được bán với giá cao.

Bà Nguyễn Thị Hoa, thành viên HĐQT VCB cho biết, thặng dư IPO giữ lại của VCB được khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến thặng dư vốn từ đợt IPO trong nước mà CTG được giữ lại theo quy định là 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy mức P/B (giá trên giá trị sổ sách) của CTG cao hơn VCB khi xét cùng mức giá chào sàn.

Thứ ba, không giống như trường hợp thua lỗ của NĐT mua cổ phiếu lần đầu đối với VCB, giá đấu thầu bình quân của CTG chỉ vào khoảng 20.000 đồng/CP. Do đó, nếu chào sàn ở mức giá 50.000 đồng/CP, NĐT thu được một mức sinh lợi hết sức hấp dẫn chỉ trong một thời gian ngắn.

Thậm chí, ngay cả khi CTG giảm sàn đi chăng nữa NĐT vẫn có một mức tỷ suất sinh lợi lên đến 100% chỉ trong vòng gần 7 tháng. Do đó, áp lực bán CTG để hiện thực hoá lợi nhuận của nhiều NĐT là khá cao.

Những tác động nhất định

121,2 triệu cổ phiếu niêm yết của CTG, chỉ có 74.087.200 cổ phiếu là được tự do chuyển nhượng, chiếm 55,22% số lượng niêm yết.

Mặt khác, với mức giá tham chiếu 50.000 đồng, giá trị vốn hóa của CTG vào khoảng 6.700 tỷ đồng. Do đó, tỷ trọng vốn hóa thị trường của CTG là không lớn so với nhiều CP đang niêm yết hiện nay như ACB, BVH, PVF hay STB. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa CTG hoàn toàn không tác động gì đến thị trường.

Thứ nhất, do VN-Index được tính trên tổng khối lượng niêm yết chứ không phải phần được tự do chuyển nhượng nên tác động của CTG đối với thị trường phải được tính theo 121,2 triệu cổ phiếu chứ không phải 74 triệu cổ phiếu.

Thứ hai, vai trò dẫn dắt Index, ngoài yếu tố tỷ trọng vốn hóa thị trường, còn phụ thuộc vào tính thanh khoản hay sự hấp dẫn của cổ phiếu. Nếu như CTG điều chỉnh sâu ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu này sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các NĐT.

Lê Đạt Chí - Trương Minh Huy
ĐH Kinh tế TPHCM
Theo Đầu tư Chứng khoán