Vay vốn ngoại cho ngành điện cũng như đi chợ, chọn sao để đừng bị "hớ"!

An Linh

(Dân trí) - Vay vốn ngoại cho ngành điện cũng giống như đi chợ, phải hiểu biết cách thức hoạt động của cái chợ đó để chọn sao cho không bị hớ, đừng để phải trả giá đắt cho mai sau.

Đó là khẳng định của ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - tại Hội thảo quốc tế “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” vừa được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ở Hà Nội, sáng nay (24/11). 

Vay vốn ngoại cho ngành điện cũng như đi chợ, chọn sao để đừng bị hớ! - 1

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT

Theo ông Đông, Việt Nam cần 150 tỷ USD để đầu tư phát triển ngành điện trong thập kỷ tới, bằng 50% GDP của Việt Nam. Khi Việt Nam qua khỏi nước thu nhập thấp, các nguồn vốn ưu đãi không còn, tiếp cận đối với vốn trong nước hạn chế thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang được trông chờ như "đũa thần". 

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khuyên rằng: "Vay vốn ngoại cho ngành điện cũng giống như đi chợ, trước hết phải hiểu biết cách thức hoạt động của chợ đó để chọn sao không bị hớ vì mua phải hàng đắt đỏ, để hệ lụy trả là giá đắt cho mai sau".

Ông Đông khẳng định, giá của vốn chủ yếu được xác định bởi mức độ rủi ro của khoản đầu tư. Rủi ro cao, chi phí cao, kỳ vọng lợi nhuận càng cao và ngược lại. 

Tại Hội thảo, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, theo Nghị quyết 55 của Chính phủ về phát triển ngành điện, nhu cầu vốn cho ngành điện đến năm 2030 ở Tổng sơ đồ điện 7 là khoảng 133,3 tỷ USD và trong Tổng sơ đồ điện 8 đến tầm nhìn 2045 là hơn 184 tỷ USD. 

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện hạn chế, vốn của doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong nước khó khăn, việc thu hút vốn từ tư nhân, vốn nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng. 

"Các ngân hàng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Trong khi đó, vốn FDI vào ngành điện gặp khá nhiều vướng mắc như chuyển đổi ngoại tệ, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài, rủi ro tỷ giá… Rõ ràng là, với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ USD/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn.  

Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn" - ông Hiển nói. 

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực thi để tuân thủ luật chơi quốc tế là cần phải chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn, trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư.

Vay vốn ngoại cho ngành điện cũng như đi chợ, chọn sao để đừng bị hớ! - 2

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương 

"Cơ chế về giá điện cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư để thu hút các dòng vốn quốc tế. Việt Nam nên sớm thực thi thị trường điện cạnh tranh toàn diện, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ" - lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương cho biết.

Ông Hiển đưa ra đề xuất: Nên nhân rộng và có cơ chế khuyến khích vốn tư nhân đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhằm giảm đầu tư của Nhà nước và tăng hiệu quả truyền tải tốt hơn.