1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vay tiêu dùng tín chấp: Cần tránh “vung tay quá trán”

Với các ưu điểm khoản vay nhỏ, không cần tài sản thế chấp, trả góp theo số lượng kì hạn linh hoạt, cho vay tiêu dùng có sức hút khó cưỡng đối với các khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, để tránh khoản vay quá hạn và gánh thêm các khoản phí khác, người tiêu dùng không nên “vung tay quá trán” nhằm đảm bảo khả năng chi trả mỗi tháng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

 

Nhộn nhịp thành lập công ty tài chính

 

Với đặc thù dân số trẻ, đông và mức thu nhập không ngừng tăng lên, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn về cho vay tiêu dùng. Có thể nhận thấy, trong vòng 5 – 6 năm qua, ngày càng có nhiều công ty gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Một số ngân hàng cũng bắt đầu mua lại các công ty tài chính để gia nhập thị trường hoặc thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.

 

Vừa qua, dù đã chiếm được thị phần tương đối lớn sau 3 năm triển khai dịch vụ tín dụng tiêu dùng nhưng Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vẫn mua lại Công ty TNHH một thành viên Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) để củng cố sức mạnh, chuẩn bị cho những bước thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

 

Một số thương vụ khác có thể điểm qua như HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty Tài chính HDFinance, Maritime Bank đã trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty tài chính dệt may.
 
Giải ngân dễ dàng, nhưng cần tránh “vung tay quá trán”
Một quầy tư vấn cho vay mua xe máy trả góp tại TP. Hồ Chí Minh"

 

Giải ngân dễ dàng, nhưng cần tránh “vung tay quá trán”

 

Với nhiều khách hàng, các điều kiện về tài sản thế chấp và “rừng” thủ tục chứng minh tài sản khi vay ngân hàng là nguyên nhân khiến họ “chùn bước” dù mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh so với thời đỉnh cao trước đây. Vay tín chấp với các ưu điểm khoản vay nhỏ, không cần tài sản thế chấp, được trả góp, thủ tục hồ sơ và giải ngân nhanh chóng, cho vay tiêu dùng có sức hút khó cưỡng đối với các khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình cần khoản vay không quá lớn (từ 2,5 triệu – 70 triệu).

 

Chị Nguyễn Quỳnh Trang - nhân viên kế toán tại một công ty tư nhân tại quận Ba Đình - có mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Để mua một chiếc xe máy phục vụ cho nhu cầu đi lại, bản thân chị Trang cần tích cóp trong một khoảng thời gian dài, từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể sở hữu một chiếc xe máy tầm trung. Tuy nhiên, với hình thức vay tín chấp, chị chỉ phải trả trước từ 20% giá trị xe, phần còn lại được thanh toán theo hình thức trả góp với điều kiện thanh toán theo kỳ hạn linh hoạt. "Nhờ vào hình thức vay tiêu dùng tín chấp, những người tiêu dùng như tôi có khả năng sở hữu món hàng tưởng chừng nằm ngoài túi tiền và việc thanh toán có phần “dễ thở” hơn qua các lần trả góp", chị Trang chia sẻ.

 

Tuy nhiên, vì tính chất rủi ro của cho vay tiêu dùng, các ngân hàng/công ty tài chính thường áp dụng lãi suất tương đối cao và các khoản phí phạt trả chậm để hạn chế rủi ro tín dụng. Người tiêu dùng cần “liệu cơm gắp mắm” và cẩn trọng tính toán thu nhập để đảm bảo đủ khả năng chi trả cho khoản vay. Khách hàng có thu nhập thiếu ổn định hay không có khoản dư mỗi tháng nên tránh “vung tay quá trán” đặt bút ký hợp đồng vay vượt quá khả năng tài chính của mình. Điều này đòi hỏi mối quan hệ 2 chiều từ bên cho vay và bên vay: Ngân hàng/tổ chức tín dụng có nhiệm vụ giúp khách hàng hiểu rõ các điều khoản và người tiêu dùng cần có trách nhiệm khi đặt bút ký hợp đồng tín dụng để bảo đảm quyền lợi và tránh các tranh chấp xảy ra sau này.

 

Ngoài ra, lịch sử hồ sơ tín dụng của khách hàng đều được lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tài chính đều tham khảo thông tin này trước khi quyết định khoản vay.

 

Lãnh đạo Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) chia sẻ, một khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và đáp ứng điểu kiện cho vay có thể nhận được mức lãi suất ưu đãi và nếu khách hàng trả nợ đúng hạn sẽ tạo niềm tin để tiếp tục được hỗ trợ tài chính trong tương lai.

 

Xử phạt gian lận, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản trong cho vay tín chấp

 

Dù rất cẩn trọng khâu thẩm định khách hàng, vẫn có trường hợp khách hàng lợi dụng sơ hở khi xét duyệt hồ sơ, giải quyết thủ tục cho vay các mặt hàng trả góp để trục lợi. Để xử lý vấn đề này, Ngân hàng có các bộ phận An ninh và Phòng chống gian lận để ngăn chặn và xử lý các trường hợp lừa đảo.

 

Một ví dụ cụ thể của việc xử lý gian lận trong cho vay tiêu dùng là trường hợp “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mới đây tại Tây Ninh.

 

Theo đó, lợi dụng sơ hở trong khâu thẩm định, giải quyết thủ tục cho vay, Trần Thiện Chí (sinh năm 1963, Tây Ninh) đã cùng Lâm Quốc Bảo, Nguyễn Văn Tuấn, Phan Hùng Minh, Nguyễn Thị Kim Liên và các đồng phạm khác đã “giở chiêu” chiếm đoạt tài sản là khoản tiền cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính. Các đối tượng này dùng Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện hợp lệ, hướng dẫn cách thức trả lời các thông tin có liên quan đến người thân của người mua hàng khi Công ty tài chính và Ngân hàng điện thoại xác minh kiểm tra và thỏa thuận chia tiền với người đứng tên trong Sổ hộ khẩu chịu mua hàng.  Sau khi được cấp tín dụng, các đối tượng đã sử dụng để tiêu xài mà không trả nợ ngân hàng.

 

Với cách thức, thủ đoạn trên, kể từ đầu năm 2013 đến tháng 01/2014, các đối tượng trên thực hiện tổng cộng 13 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngày 22/07/2014 Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự trên và tuyên án các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự. Với vai trò chủ mưu, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác, Trần Thiện Chí bị tòa xử phạt 6 năm tù và bồi thường thiệt hại cho các công ty tài chính, ngân hàng.

 

Với quy luật “có vay có trả”- các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đều có các biện pháp thu hồi khoản vay như hệ thống gọi nhắc nợ, gửi tin nhắn, thư điện tử, thư tay, các hình thức chế tài hay nhờ đến sự phân xử của tòa án dẫn đến cưỡng chế đối với khách hàng có khoản vay không trả hoặc có ý trốn nợ.

 

Ông Przemyslaw Pawel Januszaniec, Giám Đốc Ban Quản Trị Rủi Ro tại FE Credit khẳng định: “Chúng tôi chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của tất cả các yếu tố trong một chu trình tín dụng: từ khâu thẩm định hồ sơ, giải ngân đến chăm sóc khách hàng. Mặt khác, chúng tôi đã tiến hành áp dụng quy trình thu nợ và chống gian lận để phòng ngừa và xử lý những rủi ro không đáng có. Các quy trình này là sự kết hợp nhuần nhuyễn tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn tín dụng tại Việt Nam.”

 

T.Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”