Vay ADB gần 25 triệu USD để ổn định kinh tế vĩ mô

(Dân trí) - Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Kimura khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô chỉ có thể giải quyết thông qua những cải cách sâu rộng hơn nữa lĩnh vực tài chính, áp dụng các nguyên tắc thị trường đối với các DNNN và nâng cao tính hiệu quả của đầu tư công.

Vay ADB gần 25 triệu USD để ổn định kinh tế vĩ mô - 1
Lạm phát cao do mất cân bằng kinh tế vĩ mô tại Việt Nam đã làm xói mòn một số nỗ lực giảm nghèo mà đất nước đã đạt được trong những năm gần đây (ảnh: Bích Diệp).

Ngày 17/1, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết hiệp định vay vốn trị giá 24,8 triệu USD nhằm hỗ trợ các cải cách chính sách cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng đồng đều của đất nước và đảm bảo các kết quả giảm nghèo hơn nữa. 

Khoản vay nằm trong chương trình của ADB cung cấp nguồn vốn đồng tài trợ với khuôn khổ Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo do một số đối tác phát triển tài trợ. 

Đây là chương trình giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện một loạt các cải cách chính sách trong các lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, hòa nhập xã hội, quản lý tài nguyên và quản trị nhằm đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2011-2015. 

Theo đánh giá của Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Kimura thì “các kết quả giảm nghèo không thể bền vững nếu thiếu sự tăng trưởng kinh tế đồng đều”.

Do vậy, ông cho rằng, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh cải cách nhằm tăng cường năng lực thể chế và năng lực con người, quản trị và các chính sách để giải quyết các thách thức đối với sự phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện, tỷ lệ nghèo tại Việt Nam đã giảm đáng kể từ mức 15,5% vào năm 2006 xuống còn 9,5% vào năm 2010 do sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước và các chương trình bảo trợ xã hội được cải thiện. Tuy nhiên, một số nhóm người vẫn còn dễ bị rơi vào tình trạng nghèo đói. Đáng lưu ý là tỷ lệ nghèo của các nhóm người dân tộc thiểu số vẫn còn rất cao, ở mức trên 50% vào băn 2009. 

Phía ADB nhận định, lạm phát cao do mất cân bằng kinh tế vĩ mô tại Việt Nam đã làm xói mòn một số nỗ lực giảm nghèo mà đất nước đã đạt được trong những năm gần đây. 

Để vượt qua những khó khăn kinh tế vĩ mô và giảm nhẹ các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách với trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. 

Do vậy, “Những vấn đề căn bản để ổn định kinh tế vĩ mô chỉ có thể được giải quyết thông qua những cải cách sâu rộng hơn nữa lĩnh vực tài chính, áp dụng các nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước và nâng cao tính hiệu quả của đầu tư công” - ông Kimura nhấn mạnh.

Bích Diệp