1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vật vờ "tàu ma" bên bờ sông Ninh Cơ

Vào những buổi hoàng hôn mưa gió âm u, xương tàu tối thẫm tưởng như quái vật ngoi lên đâu từ lòng sông, bủa nanh vuốt dữ dằn xuống khách qua đường khiến người yếu bóng vía không khỏi hoảng hồn khiếp sợ.

Xác tàu nằm vật vờ như những bóng ma.

Xác tàu nằm vật vờ như những bóng ma. Ảnh: X.H

Ngành công nghiệp đóng tàu từng làm bừng sáng bức tranh phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định. Khu phố Mới thị trấn Xuân Trường được ví như “đại công xưởng” với hàng nghìn công nhân sản xuất suốt ngày đêm. Từ trên cầu Lạc Quần nhìn xuống đã thấy cảnh tấp nập, hối hả, những âm thanh rầm rầm, những ánh sáng hồ quang của mỏ hàn xì chớp lên liên hồi…

Nay thời hoàng kim chỉ còn trong dư âm, đại công xưởng năm xưa giờ chìm trong cảnh đìu hiu, hoang tàn. Hàng chục con tầu đồ sộ nằm phơi xác, hoen gỉ, lấp ló sau những vườn chuối, cỏ mọc um tùm, những bức tường đổ nát, vật vờ như những bóng ma trong không giam tĩnh mịch bên bờ sông Ninh Cơ.

Từ năm 2008 trở đi, theo lý giải của doanh nghiệp, họ phải đối mặt với tình trạng thua lỗ kéo dài bắt nguồn từ sự trì trệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới, khiến lượng hàng hóa vận chuyển tiếp tục khan hiếm. Do đơn hàng chào ra thị trường hiếm như lá mùa thu, nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, những con tầu đang hoàn thiện cũng phải dừng lại vì chủ tầu không có tiền, công nhân thất nghiệp.

Công ty đóng tàu Hoàng Anh, là công ty con của Vinashin, có thời điểm công nhân lên tới hơn 200 người, nhưng nay chỉ còn lại tổ bảo vệ 5 người, trông coi hai xác tàu hoen gỉ trong khuôn viên rộng 3 ha, các doanh nghiệp khác cũng chỉ hoạt động cầm chừng nhờ những hợp đồng sửa chữa, và hoàn thiện nốt hợp đồng tồn đọng. Nhiều đơn vị đã chuyển sang lĩnh vực khác như sửa chữa bảo dưỡng ôtô, máy nông nghiệp…

Chị Oanh chủ cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Xuân Trường tiếc rẻ nhớ lại: “Mấy năm trước nhà tôi có thằng con trai làm công nhân đóng tàu lương cũng được 4 triệu đồng/tháng, chồng tôi làm bảo vệ trong đó cũng được gần 3 triệu đồng/tháng. Tôi thì bán nước giải khát và hàng tạp hóa, nên thu nhập cả gia đình cũng khá. Nhưng mấy năm nay ít việc, chồng con tôi phải lên Hà Nội chạy xe ôm kiếm tiền”.

Nghìn tỷ đồng “chôn” bờ sông

Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình suy thoái của các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Ngô Doãn Thọ, phó phòng Công thương, giám đốc Trung tâm phát triển cụm công nghiệp Xuân Trường.

Ông Thọ cho biết, vào thời điểm cuối 2003-2007, nghề đóng tàu trên địa bàn phát triển bùng nổ, đặc biệt là thời điểm năm 2005 - 2006 cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu vận tải đường biển sôi động hơn bao giờ hết. Những con tàu “made in” Nam Định đi các tỉnh phía Nam, rồi lên Quảng Ninh, sang Trung Quốc. Sau những chuyến hàng, các công ty vận tải đường biển bỏ túi cả trăm triệu tiền lãi.

Nhiều chủ doanh nghiệp ký được hợp đồng lớn, chỉ trong thời gian ngắn đã lên đời nhà lầu, xe hơi. Thấy cơ hội kiếm tiền ngon ăn, một số chủ sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình, chỉ có kinh nghiệm trong việc sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, nhưng không có kỹ năng kinh doanh, cũng vay vốn, thuê mặt bằng, thuê công nhân.

Chạy theo như một trào lưu, giờ đã lâm vào cảnh dở khóc, dở cười. Một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp đóng tàu và những đơn vị “ăn theo” trở thành “chúa chổm” là do việc xuất lậu than sang Trung Quốc bị ngăn chặn, bởi phần lớn tàu được sản xuất ra để phục vụ cho giới vận chuyển than lậu.

Ông Thọ cho biết, chi phí đóng tầu biển khoảng hơn 3 triệu đồng/tấn, chi phí sửa chữa 1 triệu đồng/tấn. Xuân Trường chủ yếu đóng tàu có tải trọng 3.500 tấn đến 5.200 tấn. Như vậy một con tàu có kinh phí đầu tư dao động từ trên 10 tỷ đến gần 20 tỷ đồng. Theo quan sát của người viết, thì dọc bờ sông Ninh Cơ từ chân cầu Lạc Quần tới thị trấn Xuân Trường còn tồn đọng gần 20 tàu, bao gồm cả tàu sông và tàu biển.

Giữa thời kỳ kinh tế khó khăn vậy mà hàng trăm tỷ đồng đang “mắc cạn” bên bờ sông, những khối tài sản khổng lồ vẫn ngày ngày “thi gan cùng tuế nguyệt”, mặc cho thiên nhiên bào mòn, tàn phá. Chưa kể, nhiều con tàu khác đã bị “xẻ thịt” bán sắt vụn trước đó. Mà hệ lụy đâu chỉ đổ riêng lên đầu chủ tàu hay các nhân công. Sau mỗi con “tàu ma” hoặc đã bị “hóa xác” còn hàng dài các chủ nợ, các nhà cung cấp sắt thép, que hàn, sơn bả, xăng dầu, nguyên vật liệu…

Khi được hỏi về phương án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đóng tàu và sửa chữa tầu trên địa bàn, ông Ngô Doãn Thọ trần tình: “Chúng tôi làm công tác tham mưu cho UBND huyện và báo cáo lên tỉnh, tạo điều kiện mở rộng hành lang pháp lý cho các đơn vị chuyển đổi sang kinh doanh các ngành nghề khác, như làm bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng, sửa chữa bảo dưỡng ôtô, máy nông nghiệp, nuôi trồng nấm, chăn nuôi phát triển trang trại nếu đảm bảo vệ sinh môi trường…”.

Theo Xuân Hân
Pháp luật Việt Nam