1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vào mùa xuất khẩu đặc sản Tết

Năm nay, tình hình khủng hoảng kinh tế cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc xuất khẩu đặc sản Tết ra nước ngoài phục vụ đồng bào Việt Nam xa quê.

Vào mùa xuất khẩu đặc sản Tết - 1
Tiểu thương chuyên doanh hàng đặc sản Việt Nam xuất khẩu dịp tết như các loại dưa muối, đồ chua, bánh mứt... tại một số chợ sỉ, đầu mối tại TP.HCM cho biết lượng hàng xuất khẩu năm nay giảm xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Thực đơn Tết đa dạng

 

Hai doanh nghiệp chuyên sản xuất mứt có sản lượng tương đối lớn tại TP.HCM là công ty Trí Đức và Thành Long đã xuất khẩu được khoảng 22 tấn hàng Tết. Trí Đức xuất khẩu sang Mỹ và Đài Loan khoảng 16 tấn mứt dừa, sen, bí, khoai, củ năn. Thành Long xuất sang Úc 6 tấn mứt me, mãng cầu.

 

Công ty Vinamit cũng cơ bản hoàn tất hợp đồng xuất khẩu các loại trái cây sấy khô sang thị trường Trung Quốc, Campuchia và Lào. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty cho biết thị trường Trung Quốc chiếm tới 60% doanh thu của Vinamit.

 

Cơ sở bánh chưng Trần Gia (Đồng Nai) vừa hoàn thành đơn hàng xuất hơn 20 tấn bánh chưng, bánh tét, bánh gai sang các thị trường châu Âu, Mỹ phục vụ bà con Việt kiều dịp Tết Nguyên đán. Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở cho biết đây là năm thứ sáu Trần Gia xuất khẩu bánh chưng Tết ra nước ngoài.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, phó giám đốc công ty chế biến thực phẩm Hạnh Phúc, ngay từ tháng 9 tháng 10 đã có khách mua nước mắm độ đạm cao mang ra nước ngoài, đa phần là các chủ siêu thị nhỏ người Việt hoặc chủ cửa hàng thực phẩm đặt mua vài chục thùng mang về bán tại cửa hàng của họ.

 

Cơ sở bánh tráng Phú Hoà Đông (Củ Chi) xuất sang thị trường châu Á vài tấn bánh các loại. Theo ông Lê Thế Khải, chủ nhiệm hợp tác xã làng nghề bánh tráng Phú Hoà Đông, sản phẩm xuất là những hương vị Tết không thể thiếu của đồng bào Việt kiều.

 

Một số tiểu thương chợ Bến Thành, Tân Định cũng tham gia bán hàng xuất khẩu cho Việt kiều, nhưng với khối lượng hạn chế, có sạp vài chục ký, có sạp nhiều nhất cũng chỉ gần trăm ký các loại, chủ yếu là những món mứt khéo, có vị chua như tắc, chanh, gừng dẻo, thơm dẻo…

 

Nhưng số lượng ít

 

Đơn hàng bánh chưng xuất khẩu năm nay của cơ sở Trần Gia giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Tại một số cơ sở khác, như Trí Đức tổng sản lượng mứt Tết năm nay khoảng 80 tấn hay Thành Long 150 tấn, thì lượng xuất khẩu từ 6 – 16 tấn chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với hàng bán nội địa.

 

Ông Nguyễn Lâm Viên nói: “Năm ngoái, kể từ đầu tháng 11 thị trường hàng Tết đã chuyển động, nhưng năm nay đến mãi gần cuối tháng 12 mới có đơn hàng nhưng cũng không nhiều”

 

Một số chủ doanh nghiệp cho biết, mặc dù khách vẫn đến đặt hàng, nhưng họ lại từ chối không sản xuất hàng bán xuất khẩu do số lượng quá ít. Bà Hoàng Thị Tâm Ái, chủ công ty Trí Đức, cho biết: “Mứt Tết chỉ là mặt hàng thời vụ, lãi không cao, năng lực sản xuất công ty hạn chế, nên khi khách trong nước và khách mua hàng xuất khẩu cùng đặt, thì tôi ưu tiên bán trong nước. Vì người tiêu dùng trong nước sẽ luôn là khách hàng trung thành với công ty, còn khách nước ngoài mua không thường xuyên, không ổn định mỗi năm”.

 

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Thuý, chủ doanh nghiệp bánh mứt Thành Long, kể rõ hơn: “Bán hàng xuất khẩu thông qua đầu mối trung gian thu mua hàng tại Việt Nam, nên giá cũng không cao hơn bán trong nước, còn bị phiền phức bởi các quy định về chất lượng khác nhau của từng quốc gia, thời gian trả tiền khá lâu…”

 

“Gọi là bán xuất khẩu, nhưng phía mua hàng không hề lên kế hoạch từ trước, thường đến tháng 9 họ đặt hàng và yêu cầu giao ngay trong vài tuần”, bà Thuý nói thêm.

 

Theo Hoàng Bảy - Bích Thảo
SGTT