Vàng trong nước giảm mạnh
(Dân trí) - Đến chiều nay, giá vàng trong nước đã đồng loạt rời ngưỡng 44 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới vẫn đứng khá cao quanh mốc 1.660 USD/ounce. Chênh lệch giá tiếp tục thu hẹp hơn song thị trường vẫn tồn tại tình trạng hai giá với mức vênh lên đến 200.000 đồng/lượng.
Lúc 15h30, giá vàng SJC điều chỉnh giảm xuống còn 43,3 – 43,7 triệu đồng/lượng, giảm 450.000 đồng/lượng so với chốt giá chiều qua.
Vàng SBJ của Sacombank-SBJ cũng mua vào bán ra ở mức 43,41 – 43,79 triệu đồng/lượng.
Thị trường vẫn không tránh khỏi tình trạng 2 mức giá khi các doanh nghiệp vàng bạc tư nhân niêm yết cao hơn đến 200.000 đồng/lượng. Tại các hiệu vàng nhỏ lẻ, mức giá còn cao hơn.
Vàng Bảo Tín Minh Châu ấn định mức mua vào ở 43,45 triệu đồng/lượng trong khi bán ra ở mức 43,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào và bán ra khá cao 450.000 đồng/lượng.
Vàng SJC tại Phú Quý cũng được giao dịch ở mức 43,4 – 43,9 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn đứng ở mức cao, có lúc tăng mạnh lên 1.665 USD/ounce. Hiện tại, mức giá vẫn dao động quanh mốc 1.660 USD/ounce. Với mức giá này, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới còn xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chiến dịch nhằm kéo giá vàng trong nước về sát mức giá thế giới phần nào đã có tác dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới ở khoảng 400.000 đồng/lượng là hợp lý, cao hơn là có dấu hiệu của đầu cơ.
Vàng SBJ của ngân hàng Sacombank cũng niêm yết ở mức 43,66 – 44,04 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ hiện cũng mua vào bán ra ở mức 43,65 – 44,03 triệu đồng/lượng
Trong khi đó, tại các cửa hàng vàng tư nhân lại giao dịch ở mức giá cao hơn từ 150.000 – 200.000 đồng/lượng. Cụ thể, vàng Bảo Tín Minh Châu hiện giao dịch ở mức 43,9 – 44,25 triệu đồng/lượng; vàng SJC tại Phú Quý, Doji đang được mua vào ở mức 43,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44,15 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng. Hiện giá vàng giao ngay đang tăng 5,5 USD, giao dịch ở mức 1.655,8 USD/ounce.
Đêm qua, giá vàng chốt phiên thị trường Mỹ tiếp tục tăng thêm 11,6 USD lên mức 1.653,2 USD/ounce. Vàng giao ngay cũng tăng 0,6% chốt phiên đứng ở mức 1.651,3 USD/ounce.
Tuy vậy, khối lượng giao dịch tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6, thấp hơn 55% so với mức trung bình trong 30 ngày qua.
Theo các nhà phân tích, thông thường giá vàng tăng khi nền kinh tế bất ổn. Tuy nhiên “tôi thực sự không thấy nhu cầu trú ẩn toàn nơi vàng thay đổi nhiều bởi các vấn đề tài chính của châu Âu và thế giới phương tây. Thị trường tài chính vẫn thiếu niềm tin”, Leo Larkin, nhà phân tích kim loại của Standard & Poor nhận xét.
Khối lượng giao dịch thấp liên tục cho thấy mức tăng 2% của vàng trong tuần có thể khó giữ vững.
“Những biến động thất thường của giá vàng trong thời gian gần đây không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường”, George Nickas, môi giới hàng hóa của FC Stone nhận định và cho rằng báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến công bố vào hôm nay có nhiều tín hiệu tích cực sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, qua đó hình thành xu hướng vững chắc hơn cho thị trường vàng.
Các nhà kinh tế đang kỳ vọng vào lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ sẽ tăng lên 60.000 việc làm trong tháng 9 sau khi đứng yên trong tháng 8.
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán phố Wall hôm qua đã tăng ngày thứ ba liên tiếp sau khi Liên minh Châu Âu cho biết sẽ đưa ra kế hoạch cho các nước thành viên phối hợp tái cấp vốn cho các ngân hàng của họ.
Giá vàng cũng được hưởng lợi bởi lo ngại lạm phát sau khi ECB ném chiếc phao cứu sinh cho các ngân hàng thương mại bằng cách bơm thanh khoản để cung cấp nguồn vốn giá rẻ dài hạn cho châu Âu.
Động thái này được đưa ra khi những lo ngại Hy Lạp có thể sẽ buộc phải vỡ nợ trong vài tháng, kéo theo sự sụp đổ dây chuyền trong hệ thống các ngân hàng cho vay của châu Âu.
Nhật Linh