"Vàng trắng" tăng, đại gia hốt bạc trăm, nghìn tỷ đồng
(Dân trí) - Được mệnh danh là "vàng trắng", cao su leo thang từ đầu năm đến nay, nhu cầu tăng mạnh là hai trong số những nguyên nhân chính để doanh nghiệp ngành này hốt bạc.
Lãi trăm tỷ, nghìn tỷ đồng
Báo cáo tài chính quý III mới công bố của không ít doanh nghiệp cho thấy con số doanh thu, lợi nhuận "khủng"
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) có lợi nhuận sau thuế quý III là 1.533 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng là 3.816 tỷ đồng, tăng 74% so với 2.033 tỷ đồng năm 2020.
Doanh thu ghi nhận chủ yếu đến từ mảng sản xuất và kinh doanh mủ cao su cùng mảng chế biến gỗ. Đặc biệt mảng cao su diễn biến khá tích cực, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tăng lên, trong khi nguồn cung từ các quốc gia cung ứng liên tục bị gián đoạn do tác động của đại dịch. Khan hiếm cung cùng vượt trội cầu kéo giá cao su tăng lên cao trong quý.
Doanh thu thuần bán hàng quý III là hơn 6.151 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,21% cùng kỳ 2020 do doanh thu sản xuất và kinh doanh mủ cao su tăng 3% đạt hơn 4.345 tỷ đồng nhưng doanh thu từ chế biến gỗ lại giảm 34% chỉ còn 631,7 tỷ đồng. Trong quý III, lợi nhuận tăng mạnh dù doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ 2020 là nhờ giá vốn hàng bán quý III giảm đến 17,34%, thêm vào đó là chi phí tài chính giảm 48,3% cùng kỳ, chi phí bán hàng giảm 13,9% cùng kỳ.
CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) cũng có lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ. Cụ thể, tổng lợi nhuận khác (thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, tiền bồi thường,…) trong quý chỉ đạt hơn 3,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 118,7 tỷ đồng cùng kỳ 2020 do không còn ghi nhận chi phí bán đất. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý III của đơn vị vẫn tăng từ 169,9 tỷ đồng quý III/2020 lên 170,6 tỷ đồng quý III năm nay. Lợi nhuận duy trì tích cực là nhờ bù đắp từ doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, khoản mục này trong quý III đạt 521,7 tỷ đồng tăng 33,5% cùng kỳ 2020 với 390,8 tỷ đồng.
Doanh thu của doanh nghiệp cũng đến phần lớn từ mảng kinh doanh cao su và mảng chế biến gỗ. Nhờ doanh thu cao su tăng thêm đã bù đắp một phần rủi ro chậm trễ bàn giao đất của mảng bất động sản khu công nghiệp.
CTCP Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) công bố báo cáo quý III ghi nhận mức tăng trưởng cao so với 6 tháng đầu năm. Cụ thể, trong 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 729,5 tỷ đồng (trong quý III là 303 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt 160,8 tỷ đồng (trong quý III là 78,5 tỷ đồng), lần lượt tăng 15,4% và tăng 23,1%% so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý nhất là khoản thu nhập khác trong quý là 15,1 tỷ đồng, tăng gần 3 lần cùng kỳ năm 2020 với 5,2 tỷ lần. Nguyên nhân là khan hiếm quỹ đất lớn cho khu công nghiệp là xu hướng trong thập kỷ qua, chính quyền địa phương quyết định chuyển đất trồng cao su thành đất khu công nghiệp, khiến thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tăng theo. CTCP Cao su Đồng Phú là một trong những công ty cao su theo xu hướng này.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021 của CTCP Đầu tư Cao su Đăk Lăk (mã chứng khoán: DRI), doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khởi sắc trong kỳ nhờ vào tăng giá cùng với cầu cao su, giúp cho doanh thu và lợi nhuận được cải thiện.
Tổng doanh thu trong quý là 147,3 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ 2020 (144,7 tỷ đồng). Bên cạnh tăng doanh thu, giá vốn hàng bán giảm từ 99,8 tỷ đồng trong quý III/2020 xuống còn 88,3 tỷ đồng trong quý III/2021 đã khiến lợi nhuận sau thuế tăng 30%. Cụ thể lợi nhuận sau thuế của đơn vị trong quý III/2021 và cùng kỳ 2020 lần lượt là 14,3 tỷ đồng và 11,4 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính (phần lớn là thu từ chênh lệch tỷ giá phát sinh) của công ty trong quý là 5 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 là 1,1 tỷ đồng, mức tăng là gần 5 lần. Thu nhập khác chỉ từ dịch vụ chăm sóc cây vườn nhìn chung chiếm tỷ trọng không đáng kể trong doanh thu của doanh nghiệp.
"Vàng trắng" tăng giá do đâu?
Nhìn chung, trong quý III các doanh nghiệp đều hưởng lợi trực tiếp bởi giá cao su tăng cao, trong khi cầu cao su dự báo sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn. Nhiều chuyên gia dự báo mức giá này sẽ vẫn được duy trì đến năm 2022 do thiếu thốn quỹ đất dành cho khu công nghiệp, doanh nghiệp bắt buộc bàn giao phần quỹ đất còn lại của mình cho chủ thầu, khiến diện tích trồng cao su giảm mạnh, nguồn cung cao su cũng theo đó suy giảm.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam quý vừa rồi tăng mạnh về giá so với cùng kỳ 2020, dù lượng xuất đi giảm nhẹ. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 9, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 195.000 tấn, trị giá 321 triệu USD, giảm 5,1% về lượng nhưng tăng đến 21,2% về trị giá so với tháng 9/2020.
Giá cao su leo thang từ đầu năm đến nay, cùng với cầu cao su trên toàn thế giới tăng mạnh là lý do chính để các doanh nghiệp cao su đồng loạt công bố kết quả kinh doanh tích cực, hưởng lợi trực tiếp từ việc xuất khẩu cao su với giá cao. Thêm nữa, đất trồng cao su sắp tới đây sẽ được trao trả cho các dự án khu công nghiệp, làm cho nguồn cung cao su không mấy dồi dào càng trở nên khan hiếm. Theo dự báo của nhiều bên, giá cao su trong ngắn hạn cũng sẽ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong những năm trở lại đây, báo cáo của nhiều công ty nghiên cứu thị trường đã cho thấy quỹ đất còn lại cho khu công nghiệp ở nước ta càng trở nên hạn hẹp, quỹ đất có chất lượng hạ tầng giao thông tốt lại càng ít.
CBRE Việt Nam liên tục ghi nhận nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19, suốt hai năm qua, quỹ đất hầu như không được mở rộng hay mở rộng rất ít. Vì thế, khi kết thúc giai đoạn giãn cách và đình trệ kinh tế, xu hướng chung của Chính phủ là đưa ra chính sách thu hồi đất dự án từ tay các doanh nghiệp để tập trung nguồn vốn cho khai thác và phát triển, vực dậy nền kinh tế.
Sắp tới, nhiều doanh nghiệp cao su với quỹ đất rộng lớn sẽ thực hiện bàn giao đất lại cho Nhà nước. Tuy doanh nghiệp nhận được nhiều doanh thu từ đền bù do Nhà nước chi trả nhưng cũng khiến diện tích đất trồng cao su giảm sút, nguồn cung cao su đứt gãy.
Tuy trong báo cáo quý III năm nay của CTCP Cao su Phước Hòa chưa xuất hiện khoản lợi nhuận khác từ việc chuyển nhượng đất của VSIP III. Nhưng theo đúng kế hoạch đặt ra, cùng với sự dịch chuyển tích cực của dòng vốn FDI đẩy mạnh vốn đầu tư do thực thi các chính sách phục hồi nền kinh tế, Cao su Phước Hòa dự tính sẽ nhận được số tiền bồi thường còn lại 748 tỷ đồng từ VSIP III vào quý IV. Khoản bồi thường này được ghi nhận vào doanh thu phát sinh đột biến trong năm. Cộng thêm sự hỗ trợ từ giá cao su tự nhiên tăng mạnh do nhu cầu toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh và thiếu hụt nguồn cung, dự báo doanh thu mảng cao su tự nhiên của doanh nghiệp sẽ đạt tăng trưởng vượt bậc.
Theo thống kê của Công ty TNHH chứng khoán Mirae Asset, CTCP Cao su Đồng Phú hiện quản lý 9.900 ha cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo kế hoạch 2020-2030, diện tích vườn cây cao su của Đồng Phú sẽ thu hẹp xuống còn 6.000 ha. Gần 4.000 ha đất cao su của công ty sẽ được chuyển đổi thành KCN và khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó 2.000 ha sẽ được chuyển giao cho UBND tỉnh Bình Phước. Công việc bàn giao cũng dự báo sẽ bị trì hoãn cho đến nửa đầu năm 2022 do chính quyền địa phương phải tập trung vào kiểm soát dịch Covid-19.
Theo kế hoạch này, tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn và dài hạn của Cao su Đồng Phú cũng sẽ đến từ thu nhập bồi thường đất và thu nhập từ khu công nghiệp.
Cuối quý I vừa rồi, 24.011 m2 đất, thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần cao su Đắk Lắk được thông báo sẽ được thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk quản lý theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Việc bàn giao diện tích trên dự báo cũng sẽ được thực hiện vào cuối năm 2020 đến đầu năm 2022.