Vấn đề kinh tế trong tuần:

Vạn người lo thuế thu nhập; nhà Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả

(Dân trí) - Trong khi bày tỏ mối quan tâm đến những sự kiện “nóng” như ghế Chủ tịch PVN chính thức có chủ, gia đình Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nộp hơn 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả, việc xử lý xe công dư thừa, xăng RON 92 đã bị khai tử… thì độc giả cũng dõi theo động thái của Bộ Tài chính trong việc sửa luật thuế có thể tác động tới hàng vạn người.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân mới: Hàng vạn người bị tác động

Bộ Tài chính hiện đang đề xuất giảm bậc thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Trong các phương án được đưa ra, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án dưới đây:

Vạn người lo thuế thu nhập; nhà Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả - 1

Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng: Cá nhân có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 sẽ không bị ảnh hưởng, cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ này, mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn.

Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng).

Phương án này khác với các phương án khác ở chỗ, ngân sách không giảm mà còn tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng.

“Ghế nóng” tại Tập đoàn Dầu khí chính thức có chủ

Ông Trần Sỹ Thanh về “ghế nóng” PVN trong bối cảnh tập đoàn này đang trong tâm điểm chú ý của dư luận khi hàng loạt cựu lãnh đạo cao nhất cùng hàng chục cán bộ ngành dầu khí bị khởi tố, bắt giam.

Tân Chủ tịch HĐTV PVN.
Tân Chủ tịch HĐTV PVN.

Ông Thanh trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, trong đó có các chức vụ Bí thư tỉnh Bắc Giang, Bí thư tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trước khi đảm nhận chiếc ghế nóng ngành dầu khí, ông Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.

Trước đó, ông từng được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước Việt Nam vào năm 2004 khi mới 33 tuổi.

Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương (khi đó, ông Trần Sỹ Thanh 39 tuổi).

2 năm sau đó, vào năm 2012, ở độ tuổi 41, ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2010-2015. Năm 2015 ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương. 8 tháng sau, ông lại được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và chính thức nhận chức vụ này từ ngày 28/10/2015.

Gia đình Trịnh Xuân Thanh và 2 đồng phạm nộp 5,3 tỷ khắc phục hậu quả vụ PVC

Ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, gia đình 3 bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN và Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC đã chủ động tới cơ quan này nộp tổng cộng 5,3 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Cụ thể, gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chủ động nộp khắc phục hậu quả số tiền 2 tỷ đồng, gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh nộp 2 tỷ đồng và gia đình Nguyễn Anh Minh nộp 1,3 tỷ đồng.

Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội chưa nhận được cáo trạng vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và tội Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì hồ sơ, quyết định... mới được chuyển tới cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án, thu hồi tài sản của các đương sự liên quan.

“Nhưng đây là số tiền mà gia đình các đương sự chủ động, tự nguyện nộp nên cơ quan thi hành án dân sự chúng tôi cũng tạo điều kiện cho họ khắc phục hậu quả”- ông Tiến cho hay.

Bộ trưởng Giao thông: Uber, Grab giảm giá tối đa để “giết” taxi truyền thống?

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đã yêu cầu các đơn vị phải tham mưu cho Bộ ra chính sách quản lý Uber, Grab quản lý đối tượng này đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, chống thất thu thuế, đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng loại hình này.

“Một năm Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để "giết' các ông taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?” - Bộ trưởng Thể nói.

Hiện nay số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab trên toàn quốc đã lên tới hơn 50.000 chiếc, riêng tại Hà Nội xe dưới 9 chỗ là hơn 25.000 chiếc. Các Hiệp hội taxi truyền thống đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng cho dừng khẩn cấp các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber, cùng đó “tố” các doanh nghiệp này dùng tiền để “mua” khách khiến các hãng taxi truyền thống “khốn đốn”.

Xe công dư thừa, lãng phí lớn, Bộ Tài chính lên phương án xử lý

Theo các thông tin đã được công bố trong năm 2017, số lượng xe công dư thừa sẽ lên tới hàng ngàn chiếc. Riêng số xe phục vụ chung, theo Bộ Tài chính, sẽ giảm từ hơn 17.000 xe hiện nay xuống còn khoảng hơn 8.000 xe. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 8.000 ô tô công được đưa ra bán, xử lý, cộng với khoảng hơn 1.000 xe cần thanh lý trong quá trình rà soát vừa qua.

Hàng nghìn xe công dư thừa đang gây lãng phí lớn (ảnh minh hoạ).
Hàng nghìn xe công dư thừa đang gây lãng phí lớn (ảnh minh hoạ).

Với chi phí đầu tư cho việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay khoảng 320 triệu đồng/năm thì số tiền lãng phí là khá lớn

Do đó, Bộ Tài chính đã sớm lên phương án xử lý số xe công dư thừa này. Cụ thể, đối với các xe đủ điều kiện thanh lý, Bộ Tài chính hướng dẫn: Sẽ tiến hành bán đấu giá công khai chứ không áp dụng hình thức bán chỉ định. Tương tự với trường hợp xe chưa đủ điều kiện thanh lý nhưng không đủ điều kiện chuyển từ xe chung sang xe chuyên dùng hoặc thời điểm xử lý không được cơ quan, tổ chức đơn vị đề nghị tiếp nhận…

Hơn 24.000 ô tô “già nua” bị thu hồi, nhiều xe được rao bán rầm rộ

Trên các diễn đàn xe cũ và ngoài thị trường, nhiều chiếc xe khách cỡ nhỏ, cỡ lớn trong danh sách quá niên hạn sử dụng được sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức vẫn đang được rao bán rầm rộ.

Nhiều đại lý bán xe cho hay, hầu hết các xe cũ được nhập về Việt Nam đều là diện xe đã qua sử dụng khá lâu, nếu tính xe khách chạy từ năm 2000 đến nay đã bước sang tuổi 18 năm, còn nếu các xe sản xuất từ năm 1997, đến nay đã được sử dụng được 21 năm.

Nhiều loại xe trong nhóm Cục đăng kiểm có quyết định tịch thu là xe minivan (xe tải, xe chở người) cỡ nhỏ, xe khách trên 12 chỗ ngồi, xe khách 29 chỗ ngồi. Đây là những chiếc xe cỡ nhỏ, đang vận hành chuyển khách cục bộ tại các địa phương, vùng quê nông thôn.

Các thương hiệu phổ biến nhất trong đợt tịch thu 24.400 chiếc xe "già nua" trên là xe khách của Hyundai, Toyota, xe Deawoo, Mercedes, Ford Transit, còn xe tải chủ yếu là của Hyundai, Kamaz, Zin, Mitsubishi.

Lo ngại khi nhiều loại xe không phù hợp với xăng E5

Từ 1/1/2018, ngành xăng dầu chính thức “khai tử” xăng Ron 92 và thay thế hoàn toàn bằng xăng E5. Nhiều cây xăng ở TPHCM đã không còn bán xăng Ron 92 và thay vào đó là xăng E5. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn còn tâm lý ái ngại khi các chuyên gia quốc tế “điểm mặt” các loại xe không nên dùng xăng E5.

Các loại ô tô, xe máy không phù hợp với xăng E5 như: Audi A3 1.8L đời 2000 về trước. Ford Laser sản xuất từ năm 1986 trở về trước và một vài mẫu xe sản xuất trong khoảng năm 2002 – 2004. Tất cả các xe GM Daewoo. Tất cả các xe Mazda ngoại trừ Mazda2 sản xuất tháng 2/2005, Mazda3, Mazda6, RX8, MX-5 sản xuất tháng 7/2005 và từ tháng 4/2006 trở đi. Tất cả xe Suzuki sản xuất trước năm 2008. Toyota Camry động cơ phản lực sản xuất trước tháng 7/1989 hay Toyota Hilux, Toyota Hiace sản xuất trước tháng 8/1997.

Đối với mô tô, xe máy, nhiều mẫu xe cũ của Honda, Yamaha cũng nằm trong danh sách không tương thích với xăng E5. Nhiều mẫu xe máy của Kawasaki cũng có kết quả tương tự…

Xăng E5 đã được bán đại trà thay thế xăng RON92
Xăng E5 đã được bán đại trà thay thế xăng RON92

Thanh tra toàn bộ việc sử dụng đất quốc phòng trên cả nước

Một thông tin kinh tế khác cũng được đông đảo dư luận quan tâm là việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai.

Trong đó, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và đặc thù chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2018.

"Bộ Quốc phòng phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước", Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.

Với trường hợp có dấu hiệu sai phạm về sử dụng đất, hoặc để bị lấn, bị chiếm đất, Bộ Quốc phòng phải kiên quyết xử lý theo quy định. Bộ có trách nhiệm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2018.

Bích Diệp (tổng hợp)

Vạn người lo thuế thu nhập; nhà Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả - 5