1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vấn nạn thép “gầy”

Nhu cầu sử dụng sắt thép trong xây dựng là rất lớn và dự báo còn tăng cao trong thời gian tới. Thế nhưng, chất lượng các sản phẩm sắt thép xây dựng - vật liệu quan trọng quyết định phần lớn chất lượng của các công trình xây dựng - đang là vấn đề phải quan tâm.

Do nhu cầu về sắt thép xây dựng ngày một lớn, giá lại liên tục lên cao nên các vi phạm trong kinh doang mặt hàng này ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Nổi cộm là việc: nhập lậu, trốn thuế, lợi dụng sự thông thoáng của hải quan để kê khai mã thuế suất không đúng quy đinh, gian lận về xuất xứ hàng hoá để hưởng lãi xuất ưu đãi, bán sắt thép có trọng lượng, kích thước thấp hơn tiêu chuẩn hay bán hàng không có nhãn mác.

Ngoài ra thủ đoạn trộn thép nhà máy với thép gia công, thép Trung Quốc giá rẻ và tình trạng sản xuất thép không đúng kích cỡ, không có nguồn gốc… cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm.

Mới đây, Chi cục quản lý thị trường TPHCM kết hợp cùng cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh sắt thép trên địa bàn. Bước đầu, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng chục cơ sở vi phạm về kinh doanh sắt thép, trong đó không ít trường hợp kinh doanh sắt thép không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hoá không rõ ràng…

Thủ đoạn bán sai chủng loại khách hàng yêu cầu hiện cũng rất phổ biến. Chẳng hạn khách hàng yêu cầu thép cây ф14 thì giao ф12 hoặc ф16 lại giao ф 14… hay đối với các loại thép cuộn (ф6, ф8 …) thủ đoạn gian lận là sản xuất thiếu chuẩn kích cỡ khoảng trên dưới 1 mm đường kính.

Đối với thép cây, có hai dạng ăn bớt đường kính bằng cách sản xuất thân thép nhỏ hơn tiêu chuẩn - giới kinh doanh thường gọi là thép “ gầy” - trong khi phần gân nổi trên thân thép được nhô cao hơn để bù đắp.

Loại sắt này nom bề ngoài thì không khác gì thép chuẩn, nhưng thực tế thì đường kính nhỏ đi chút ít, từ 0,5 - 0,8 mm. Giá thép gầy bao giờ cũng thấp hơn giá thép tiêu chuẩn vài chục nghìn đồng/cây.

Theo một cán bộ của Cục QLTT thì với người tiêu dùng bình thường, ít ai phân biệt được thép “gầy” và thép tiêu chuẩn bằng mắt thường, chủ yếu chỉ căn cứ vào thương hiệu sản phẩm và hình thức bề ngoài của cây thép.

Hậu quả của vấn đề trên chắc ai cũng đã rõ. Đối với các công trình sử dụng sắt thép thì đây là vấn đề mối nguy lớn, về phía người tiêu dùng họ phải gánh chịu thiệt thòi bởi đã mua loại hàng giá cao hơn giá trị thực tế.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127 TW, nguyên nhân của tình trạng trên, do sắt thép là mặt hàng trọng yếu nhưng hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như: công an, hải quan hay QLTT chưa tốt. Hơn nữa Hiệp hội ngành hàng và các DN sản xuất kinh doanh sắt thép chưa phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn vi phạm trong vấn đề này.

Chính vì vậy, để ngăn chặn hành vi buôn lậu và gian lận thương mại đối với các mặt hàng này, cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc tế và có những chính sách bảo vệ các nhà máy sản xuất thép trong nước.

Theo Nguyễn Hải
Báo Công Thương