Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư:
Vẫn còn chưa minh bạch và chính xác
(Dân trí) - Bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2006, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 được “kỳ vọng” sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua 16 lần dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư vẫn còn nhiều bất cập.
Chính vì vậy, sáng nay, 5/7, Ban nghiên cứu của Thủ tướng (PMRC), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ KH& ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp với dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
Theo đánh giá cả PMRC, mặc dù thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực đã đến, các nhà đầu tư đang trông đợi Nghị định sớm được ban hành, nhưng điều quan trọng hơn, được các nhà đầu tư đòi hỏi hơn là Nghị định này đưa ra được những hướng dẫn rõ ràng, minh bạch, hợp lí, đảm bảo tinh thần và các nguyên tắc chính yếu của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho biết: "Nhanh chóng ban hành Nghị định này để triển khai thực hiện Luật Đầu tư là rất cần thiết. Tuy vậy, không thể vì sức ép về thời gian mà phải đánh đổi yêu cầu về chất lượng. Nghị định này dù có thể ban hành muộn hơn nhưng phải có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Đây mới là mục tiêu cuối cùng mà Nghị định này hướng tới".
Theo nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia thì Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư vẫn còn tồn tại nhiều quy định chưa minh bạch, chồng chéo, chưa chính xác... Một số khái niệm trong Dự thảo chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng như "DN 100% vốn nước ngoài", "DN thực hiện đầu tư 100% vốn nước ngoài", "DN 100% vốn của nhà đầu tư"...
Các chuyên gia cho rằng, thông thường, mọi doanh nghiệp đều là 100% vốn của nhà đầu tư, tuy trong quá trình hoạt động họ có thể đi vay vốn, vậy tiêu chí nào để phân biệt các loại DN nêu trên?
Bên cạnh đó, các khái niệm "Dự án đầu tư nước ngoài", "Dự án đầu tư trong nước" và "Nhà đầu tư nước ngoài", "Nhà đầu tư trong nước" có mối quan hệ chưa rõ ràng.
Trong khi đó, một số khái niệm được sử dụng chưa chính xác, chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, chẳng hạn khái niệm "Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài" cũng là một khái niệm không được Luật Doanh nghiệp quy định. Quy định này còn có tính chất phân biệt đối xử về loại hình sử hữu, đồng thời đặt ra các câu hỏi về hình thức công ty TNHH, công ty hợp danh... có vốn đầu tư nước ngoài thì ra sao...
Ngay cả khoản 2, điều 36 quy định: “Tiền lương của người lao động do nhà đầu tư và người lao động thoả thuận theo quy định của pháp luật về lao động…” cũng không tương thích với pháp luật về lao động. Bởi, chủ thể trong pháp luật về lao động là doanh nghiệp chứ không phải là nhà đầu tư.
Xét theo nội dung của Dự thảo, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của nhiều hiệp hội và doanh nghiệp được Ban nghiên cứu của Thủ tướng tổng hợp lại cũng cho thấy, nhiều quy định về thủ tục đầu tư chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng như thủ tục ưu đãi đầu tư, thủ tục thẩm tra với dự án đầu tư có điều kiện, thủ tục thẩm tra dự án đầu tư...
Ngay cả Quy định về việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng không hợp lý vì thẩm quyền, quyền xem xét, quyết định thực tế là của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (và có thể có Bộ quản lý ngành khác liên quan) nhưng Thủ tướng lại là người chịu trách nhiệm!
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo chưa dự liệu được các tình huống phát sinh, thiếu tính khả thi, chồng chéo, mẫu biểu chưa rõ ràng... Văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2005 nên chọn trọng tâm điều chỉnh, không nên quá cầu toàn và điều quan trọng là phải tạo ra các điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư…
Nguyễn Hiền