1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thuế GTGT đối với dịch vụ ứng tiền bán chứng khoán:

VAFI phản đối quan điểm của Tổng cục thuế

(Dân trí) - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước phản đối quan điểm thu thuế giá trị gia tăng 10% đối với hoạt động ứng tiền bán chứng khoán của Tổng cục Thuế.

VAFI phản đối quan điểm của Tổng cục thuế - 1
VAFI cho rằng, dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán bản chất là một dịch vụ tín dụng và không chịu thuế GTGT.       
 
Trước đó, tại văn bản 16058/BTC-TCT, Tổng cục Thuế đã khẳng định: Công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng và thu phí không phải là hoạt động kinh doanh chứng khoán. Do đó CTCK phải kê khai nộp thuế GTGT với mức thuế suất GTGT là 10% đối với phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán.

 

Tuy nhiên, VAFI cho rằng, dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán (chỉ là thuật ngữ quen thuộc trên thị trường), bản chất là một dịch vụ tín dụng. Và đã là dịch vụ cấp tín dụng thì không chịu thuế GTGT .       

 

VAFI phân tích, bản chất của nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là dịch vụ cấp tín dụng cho nhà đầu tư: khi bán chứng khoán xong, phải sau 3 ngày làm việc tiền mới về tài khỏan, muốn có tiền ngay, nhà đầu tư phải vay tiền từ CTCK hoặc từ ngân hàng, tài sản thế chấp chính là dòng tiền bán chứng khoán về sau.

 

“Phí dịch vụ ứng trước chứng khoán” được tính toán trên cơ sở mức lãi vay của 1 ngày nhân với số ngày cần vay. Mức lãi vay 1 ngày hiện nay khoảng 0,06%/ ngày. Mức lãi vay này luôn luôn biến động tùy theo lãi suất huy động và cho vay  của thị trường tín dụng .

 

Theo VAFI, đa phần các CTCK thực hiện nghiệp vụ này đều không có đủ tiền, phải liên doanh hoặc vay vốn từ các ngân hàng thương mại để thực hiện nên CTCK không thể ấn định “mức phí”.

 

VAFI cũng cho rằng, cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là 1 nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán cơ bản. Dịch vụ này có tác dụng làm tăng tính thanh khoản cho thị trường và rất lành mạnh.

 

Ngoài ra, VAFI cũng dẫn Điều 60 Luật Chứng khoán 2006 quy định các nghiệp vụ của CTCK. Theo đó ngoài các nghiệp vụ như: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán;  Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán, CTCK được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.

 

Tại tiết b điểm 8 Mục II Phần A Thông tư 129/2008/TT-BTC cũng đã qui định : “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của các sở hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, các hoạt động khác theo qui định của pháp luật về chứng khoán”.   

 

Như vậy, vẫn còn các nghiệp vụ kinh doanh khác cần phải được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật như dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, dịch vụ ký quỹ….

 

Trên cơ sở những phân tích trên, VAFI đề nghị, UBCKNN nên có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế để xác nhận rằng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là 1 nghiệp vụ kinh doanh của CTCK và nên giải thích về bản chất của “Phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán”;  Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nên xem xét lại vấn đề này và nhanh chóng có văn bản phản hồi để các CTCK có cơ sở làm báo cáo tài chính cho đúng Luật. 

 

Nhật Linh