1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ủy ban Kinh tế: Tỷ lệ trái phiếu đảm bảo bằng tài sản rủi ro cao còn lớn

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn...

"Nóng" vấn đề chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Sáng 23/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc.

Một trong các nhóm nội dung được cả cơ quan Chính phủ, Quốc hội quan tâm đó là các vấn đề liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lưu ý tới những bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở trong và ngoài nước để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng cho biết, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Ủy ban Kinh tế: Tỷ lệ trái phiếu đảm bảo bằng tài sản rủi ro cao còn lớn - 1

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thị trường TPDN tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối (Ảnh: Quốc Chính).

Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.

Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này theo ông Thanh, đã gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, thị trường TPDN tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối. Năm 2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 637.000 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%.

Đáng lưu ý theo ông Thanh, tỷ lệ TPDN không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, số dư đầu tư TPDN của hệ thống các TCTD có xu hướng tăng nhanh. Đến hết tháng 3/2022, đã tăng 19% so với cuối năm 2021, trong đó riêng với lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản là 160.600 tỷ đồng (tăng 24,1%), chiếm tỷ trọng 49,2%.

Trong năm 2022, khối lượng TPDN đáo hạn vào khoảng 145.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, trái phiếu các TCTD đáo hạn chiếm 20,2%. Nêu ra những con số này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Quy hoạch điện VIII chưa phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện 

Một số khó khăn khác của nền kinh tế cũng được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ như chi phí đầu vào tăng cao do giá cước vận tải cao, giá nhiên liệu nhập khẩu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ vẫn yếu...

Ngoài ra theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

"Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án phát triển điện chưa thể triển khai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm. Một số quy hoạch đã được phê duyệt cũng đã bộc lộ một số bất cập", báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ. 

Nhận định từ nay đến cuối năm, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần lưu ý loạt vấn đề.

Trong đó, có việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; khẩn trương hoàn thiện danh mục dự án của các nguồn vốn đầu tư chưa được phân bổ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.

Chính phủ cũng cần tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công; tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, cần lưu ý kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.

"Cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng. Có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu và mở cửa du lịch, phát triển thị trường nội địa. Lưu ý vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm điện năng cho sản xuất và tiêu dùng", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm