Phó Thủ tướng: Tăng giám sát chứng khoán, BĐS để phát triển lành mạnh

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai còn chậm

Sáng nay (23/5), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay.

Theo Phó Thủ tướng, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I năm nay đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.

Phó Thủ tướng: Tăng giám sát chứng khoán, BĐS để phát triển lành mạnh - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai còn chậm (Ảnh: Quốc Chính).

"Tính chung 4 tháng có 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 02 ngân hàng yếu kém...", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.

Báo cáo về những hạn chế, thách thức, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm…

"Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro", Phó Thủ tướng lưu ý. Những vấn đề công tác quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí… cũng được lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.

Đáng lưu ý theo Phó Thủ tướng, Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm.

Tăng giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

Đề cập chi tiết những hạn chế, khó khăn còn tồn tại của nền kinh tế, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ các nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan.

Cụ thể, bên cạnh các yếu tố khách quan do tình hình thế giới và đại dịch Covid-19 thì báo cáo thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đã nêu rõ xuất phát từ các yếu tố chủ quan như công tác dự báo còn hạn chế; sự chủ động ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao.

"Có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, thiếu linh hoạt; tính tự chủ, tự lực, tự cường ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao; công tác phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; năng lực làm việc và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn, lãnh đạo Chính phủ đã đưa ra một loạt các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém.

"Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá…", Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm nay của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả.

"Sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.