Ủy ban Giám sát: Triển vọng tăng trưởng 5,8% đã sáng sủa hơn
(Dân trí) - Tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2014 vừa được công bố ngày 2/4, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, kinh tế đã thoát đáy trong quý 3/2013 và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mặc dù mức tăng còn chậm.
Dự báo những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu (tăng đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, giảm lãi suất…). Do vậy, triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% của năm 2014 trở nên sáng sủa hơn
Theo UBGSTCQG, tăng trưởng GDP quý I/2014 (4,96%) cao hơn cùng kỳ hai năm trước nhờ sự phục hồi của khu vực nông - lâm - thủy sản và công nghiệp - xây dựng. Đặc biệt, bóc tách yếu tố mùa vụ trong tăng trưởng GDP hàng quý cho thấy tăng trưởng đã liên tục tăng kể từ quý II/2013 sau khi đã giảm liên tục từ quý I/2011 và xu hướng này dự báo sẽ được duy trì trong 3 quý cuối năm 2014.
Cơ quan này cho rằng, một dấu hiệu quan trọng là trong quý I/2014 sản xuất tiếp tục chuyển biến tích cực. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục xu hướng tăng nhanh hơn kể từ quý II/2013.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2014 thể hiện sự mở rộng sản xuất (trên ngưỡng 50 điểm) liên tiếp trong vòng 6 tháng qua: sản lượng liên tục tăng, tồn kho thành phẩm giảm mạnh và tiêu thụ hàng hóa đầu vào sản xuất tăng cao. Nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất tiếp tục xu hướng tăng kể từ tháng 9/2013 và tăng mạnh trong quý 1/2014: nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 29,3%, xăng dầu tăng 29,6%, nguyên phụ liệu dệt may tăng 28,7%.
Cùng với đó, xuất khẩu tiếp tục là động lực cho tăng trưởng khi trong quý I và giúp Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010.
Tình hình các doanh nghiệp cải thiện với các chỉ số về khả năng trả nợ của khu vực doanh nghiệp đạt mức tốt nhất kể từ đầu năm 2012. Tỷ số thanh toán hiện thời và thanh toán nhanh và lãi vay đều được cải thiện đáng kể, tương ứng đạt 1,42 lần, 0,87 lần và 2,85 lần. Đòn bẩy tài chính (tỷ lệ nợ/tổng vốn) giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2008 (59,79%). Hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện với ROA và ROE tăng tương ứng 5,1 và 2,3 điểm % so với năm 2012.
Trong báo cáo quý này, UBGSTCQG cũng cho biết, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp. CPI cuối quý I chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013 và 4,83% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây. Lạm phát giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo UBGSTCQG, mặc dù kinh tế có sự chuyển biến tích cực song tổng cầu chậm cải thiện. Theo đó, tiêu dùng chậm cải thiện, bằng chứng là doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,1%, không cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đây (quý I/2012 tăng 5% và quý I/2013 tăng 4,5%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế vì vậy vẫn ở mức thấp so với tiềm năng của nền kinh tế.
UBGSTCQG khuyến nghị, song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, trên cơ sở lạm phát mục tiêu cả năm, cần chủ động điều tiết giá hàng hóa cơ bản, dịch vụ và tỷ giá cũng như điều tiết tổng cầu của nền kinh tế thông qua phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa một cách thích hợp để hướng tới mục tiêu lạm phát đã định.
Bích Diệp