1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

USD "xuống dốc" đẩy giá vàng tăng mạnh

(Dân trí) - USD giảm giá mạnh đã khiến giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2006 tại New York tăng tới 3,6 USD lên mức 610,4USD/ounce vào đầu phiên giao dịch hôm nay. Theo nhận định của giới chuyên gia, giá vàng cần phải vượt qua mức 612 USD/ounce để xác nhận chiều hướng tăng tiếp trong những ngày tới.

Vào sáng nay (9h theo giờ Hà Nội, 2h sáng tại London), giá vàng spot London ở mức 608,10 USD/ounce, tăng 2,60 USD so với mức đóng cửa phiên hôm qua. Trong phiên giao dịch ngày 31/10, USD giảm giá trị khá mạnh khiến giá vàng giao ngay tăng từ mức mở cửa 600,75 USD tới mức đỉnh trong phiên 607,75 USD và đóng cửa ở mức 605,50 USD.

Như vậy, thông tin về Bắc Triều Tiên trở lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đã không tích cực hỗ trợ giá vàng tăng, nhưng nó cũng đã làm cho giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2006 ngày hôm qua giảm 60 cents, đóng cửa ở mức 606,8 USD/ounce. Nhưng đến hôm nay, giá vàng vẫn tăng do USD trượt giá xuống mức thấp nhất trong tháng 10 so với Euro, vàng trở thành mục tiêu đầu tư mạnh.

Còn tại thị trường trong nước, giá vàng cũng đã tăng thêm 5.000đ/chỉ so với hôm qua và tăng trên 15.000đ/chỉ so với cuối tuần trước, vượt ngưỡng 1,180 triệu đồng/chỉ và vàng SJC vẫn đứng đầu về mức giá.

Cụ thể, vàng SJC tại Hà Nội mua vào 1,180 triệu đồng/chỉ, bán ra 1,188 triệu đồng/chỉ; tại các địa phương khác như TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá vàng loại này cùng được niêm yết là 1,180 triệu đồng/chỉ - 1,187 triệu đồng/chỉ.

Trong khi đó, vàng AAA và vàng Bảo Tín Minh Châu có giá niêm yết thấp hơn nhưng lại đồng đều giữa các vùng miền: Vàng AAA là 1,167 triệu đồng/chỉ - 1,185 triệu đồng/chỉ; vàng Bảo Tín Minh Châu là 1,170 triệu đồng/chỉ - 1,180 triệu đồng/chỉ. Theo các chủ cửa hàng vàng bạc trên địa bàn Hà Nội, sức mua vàng của người dân hiện vẫn đồng đều, chưa có xu hướng tăng đột biến.

Được biết, USD giảm giá trị sau khi chỉ số sản xuất công nghiệp khu vực Chicago (Mỹ) chậm lại và chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm hơn mức dự báo (105,40 so với 108,00). Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm bộc lộ phần nào tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại, tăng áp lực lên USD, đòi hỏi Fed phải tính tới việc cắt giảm lãi suất USD. Nhiều chuyên gia xác nhận rằng, USD sẽ còn giảm giá tiếp trong thời gian tới.

Xét về mối quan hệ giữa USD và giá vàng, nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố hàng đầu khiến giá vàng tăng là do USD lạm phát, rủi ro tiền tệ là khó tránh, các nhà đầu tư phải mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản. Lập luận này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại số liệu liên quan đến giá trị, sức mua thực của USD trong 9 tháng năm 2006, ta thấy có các biểu hiện:

Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (Core CPI) tháng 8 là 2,8%; tháng 9 là 2,9%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2006. Tại Mỹ, chỉ số core CPI là căn cứ quan trọng hàng đầu để xác định mức lạm phát. Theo đó, Fed dự kiến mức lạm phát của cả năm 2006 là 3%.

Thứ hai, GDP của Mỹ quý II/2006 tăng 2,6%; quý III được ước tính tăng 3,0% nhưng số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/10 cho thấy, GDP chỉ đạt 1,6%. Như vậy, mức lạm phát chỉ xấp xỉ mức tăng trưởng GDP và vẫn thấp hơn mức lạm phát của nhiều quốc gia khác hiện nay.

Thứ ba, lãi suất USD sau 17 lần tăng liên tục, mỗi lần 0,25% đã lên tới 5,25%, mức cao nhất trong 2 thập niên vừa qua.

Thứ tư, thâm hụt thương mại Mỹ vẫn rất cao, mỗi tháng trên 60 tỷ USD; năm 2005 trên 800 tỷ USD. Ngoài ra, chi phí về quốc phòng, an ninh, chống khủng bố cũng rất lớn. Do vậy, USD đang tiềm ẩn rủi ro lạm phát cao. Biểu hiện là trong 9 tháng đầu năm 2006, USD đã giảm giá 5,4% so với 6 ngoại tệ mạnh.

Tuy vậy, nếu nhìn một cách tổng thể, các nhà phân tích thấy rằng lạm phát của USD vẫn chưa đến mức trầm trọng. Liên tiếp trong 4 tuần liền từ giữa tháng 9 sang tháng 10/2006, USD đã đạt được mức tăng giá so với Euro, JPY, GBP, CHF và cả CAD.

Bởi vậy, theo nhận định của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, cơ hội giá vàng tăng tiếp nữa là có thật, nhưng tốc độ tăng có thể sẽ không nhanh mà zic- zăc trong biên độ vừa phải.

Nguyễn Hiền