USD "chợ đen" vượt xa 25.000 đồng, có cần lo lắng?
(Dân trí) - USD thị trường tự do tăng mạnh được cho là vì yếu tố mùa vụ và nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại nhờ sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất nhập khẩu…
Giá USD "chợ đen" và ngân hàng đồng loạt tăng
Giá USD tự do phiên giao dịch ngày 23/2 tiếp tục bỏ xa mốc 25.000 đồng. Cụ thể, USD tại thị trường không chính thức được giao dịch tại 25.150-25.220 đồng/USD (mua - bán), tăng 120 đồng chiều mua và 90 đồng chiều bán so với trước đó.
Lần đầu tiên giá USD "chợ đen" vượt mốc 25.000 đồng trong năm nay là vào ngày 22/1. Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ có chiều bán vượt con số 25.000 đồng. Các điểm thu mua ngoại tệ trên thị trường nâng giá mua - bán USD lên 24.980 - 25.080 đồng/USD (mua - bán) song giá lại nhanh chóng đảo chiều đi xuống.
Không chỉ USD "chợ đen", USD trong ngân hàng cũng có dấu hiệu tăng nhiệt. Ngày 23/2, các ngân hàng tăng giá giao dịch USD 15-70 đồng mỗi chiều. Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.405-24.775 đồng (mua - bán). Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.380-24.770 đồng (mua - bán). So với đầu năm, USD tại ngân hàng này tăng khoảng 1,4-1,7%.
Tỷ giá trung tâm sáng 23/2 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.996 đồng/USD, tăng 15 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.645 đồng đến 25.195 đồng.
Tuy nhiên, tình trạng giá USD trong nước lại không tương quan với xu hướng của đồng bạc xanh trên thế giới. USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - phiên 23/2 đạt 103,9 điểm, tương đương mức giảm 0,43%.
Tỷ giá tăng dịp Tết Nguyên đán không hiếm
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc tỷ giá tăng ở thời điểm xung quanh dịp Tết Nguyên đán "không phải chuyện hiếm". Theo vị này, Tết là dịp nhiều người nhận được kiều hối từ kiều bào của mình ở nước ngoài, khiến nguồn cung ngoại tệ nhiều.
Ông nhận định tỷ giá lên cao làm tăng giá hàng nhập khẩu, vì hàng nhập khẩu phần lớn thanh toán bằng đồng USD. Khi đó, hàng hóa nhập khẩu tính sang tiền đồng Việt Nam bị tăng giá theo, tạo áp lực lạm phát.
Ngoài ra, tỷ giá cao cũng làm ảnh hưởng tới việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài thường muốn tỷ giá được ổn định.
Ông nói tỷ giá có thể duy trì đà tăng tối đa trong khoảng 3% là hợp lý. Nếu vượt quá mức 3% này sẽ tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư ngoài nước.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết khó để đoán định tỷ giá. Tuy nhiên, từ nay cho đến khi Fed giảm lãi suất, ông cho rằng tỷ giá sẽ tăng.
Tỷ giá trong thời gian tới phụ thuộc lớn vào sự thay đổi của chính sách tiền tệ Mỹ và tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.
"Nếu nhập khẩu nhiều cũng sẽ tạo đà tăng cho tỷ giá, do nhu cầu sử dụng USD để thanh toán hàng hóa. Nhiều chuyên gia dự báo, Fed sẽ giảm lãi suất kể từ giữa năm, do đó tỷ giá vẫn có xu hướng tăng cho đến cuối quý II", ông nói.
Các chuyên gia phân tích đến từ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định trong năm 2024, tỷ giá USD/VND sẽ chịu sự chi phối từ diễn biến của đồng bạc xanh, đồng thời là đường lối điều hành chính sách tiền tệ của Fed.
Với việc Fed được dự báo là sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm 2024, và với quan sát trong quá khứ USD-Index thường lập đỉnh đi xuống trước lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed, chỉ số này nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh như năm trước, và do đó tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong biên độ 2%.
Còn các chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS) nhận định năm 2024, khi chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, đồng USD có xu hướng mất giá trên diện rộng và sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước.
Tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong vùng 23.800-24.300 đồng/USD và tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm thặng dư thương mại, giải ngân vốn FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định, du lịch quốc tế hồi phục mạnh…
Với các áp lực tỷ giá thường trực, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định tháng đầu năm, nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại nhờ sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất/nhập khẩu và theo đó đẩy tăng đáng kể tỷ giá giao dịch tại hệ thống ngân hàng với mức tăng có thời điểm trên 1%.
Kết thúc tháng 1, VND giảm giá khoảng 0,72% so với đồng USD. Trong đó, mức giảm giá được thu hẹp đáng kể vào thời điểm cận Tết Nguyên đán chủ yếu do yếu tố thuận lợi từ kiều hối về nhiều ước đạt 16 tỷ USD năm 2023, tăng 30%.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu. Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối…