“Ứng xử” với giá sữa tăng để không bị lợi dụng

(Dân trí) - Có một tỷ lệ lớn các bà mẹ khi mua sữa ngoại cho con là theo cảm giác “sữa đắt là sữa tốt”, rồi sau đó lại đổ cho các hãng sữa tội liên tục tăng giá. Điều quan trọng là người dân cần có thái độ đúng đắn trong việc lựa chọn sữa.

“Ứng xử” với giá sữa tăng để không bị lợi dụng - 1
Các bà mẹ hoa mắt trong “rừng” nhãn hàng sữa
 
Chuyện từ một bà mẹ
 
Cách đây khoảng 6 năm, thương hiệu sữa Dumex còn xa lạ với nhiều bà mẹ nhưng đã được chị Linh (nhân viên làm việc tại khu văn phòng của Bộ GD&ĐT) sử dụng loại sữa bột của hãng này cho con.
 
Còn nhớ khi ấy, cùng một loại sản phẩm sữa có trọng lượng và lứa tuổi tương đương, nhưng giá của các hãng sữa ngoại cũng có sự khác nhau đáng kể.
 
Điển hình như sữa bột 400g dành cho trẻ sơ sinh, trong khi các hãng sữa ngoại khác như Mead Johnson, Abbott… được bán với mức giá khoảng 80.000 - 90.000 đồng/hộp thì sữa Dumex chỉ khoảng 65.000 - 67.000 đồng/hộp (thời điểm đó - PV).
 
Rồi khoảng 2, 3 năm sau đó, cùng với việc liên tục quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, hãng sữa Dumex bất ngờ rồi liên tục tăng giá mạnh các sản phẩm.
 
Thậm chí theo kết quả thanh tra của cơ quan chức năng Việt Nam năm 2008, Dumex là một trong những hãng sữa có mức tăng khủng khiếp nhất và có giá cao hơn nhiều lần so với ở nước ngoài.
 
Trước tình hình đó, chị Linh đã chuyển sang sữa bột cô gái Hà Lan của hãng Dutch Lady cho con. Và cho đến giờ chị Linh đang sử dụng sữa Nuvita của hãng Nutifood cho con mình.
 
Cả hai loại sữa này hiện đều có mức giá rất khiêm tốn so với sữa nhập ngoại (khoảng 130.000 đồng/hộp 900g). Chị Linh cũng cảm thấy hài lòng với sự phát triển về trí tuệ và tăng trưởng của con mình.
 
Điều đáng nói là không phải ai cũng có sự lựa chọn giống bà mẹ này. Thực tế cho thấy, dù có tăng giá mạnh nhưng cùng với các chiến lược của quảng cáo rầm rộ của các hãng sữa nhập ngoại nói chung, Dumex vẫn được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn.
 
Trong đó, loại sữa cao cấp ra sau này có giá chênh lệch hơn hẳn so với sữa thông thường và đó lại là loại được bán chạy hơn.
 
Sự thật này cũng phù hợp với nhận định của nhân viên kinh doanh trong một công ty sữa thuộc loại lớn hiện nay, đó là doanh số từ các dòng sữa loại “thường thường bậc trung”, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM, đang giảm dần vì sức mua rất thấp. Thậm chí có hãng sữa phải bỏ nhãn hàng có giá thấp vì không bán được.
 
Sữa nội cần biết cách gây niềm tin
 
Cho đến bây giờ, rất nhiều bậc phụ huynh chưa hề có ý nghĩ sẽ sử dụng sữa nội cho con mình. Đơn giản là vì các hãng sữa trong nước luôn bị đánh giá là chưa tạo đủ sức nặng về an toàn chất lượng sản phẩm.
 
Hầu hết lý do mà người tiêu dùng đưa ra để từ chối một sản phẩm sữa trong nước đó là: “Một hộp sữa nhập ngoại có giá gần gấp 3 lần sữa trong nước thì không có lý do gì không tốt hơn”, hay sữa nước ngoài có cơ quan kiểm định uy tín hơn, chất lượng tốt hơn…
 
Không phủ nhận những ý kiến trên là không có lý song nếu lấy một trường hợp điển hình của thương hiệu Cô gái Hà Lan thì tại một khảo sát của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) năm 2009 cho thấy:
 
Sữa Friso bán tại Việt Nam có giá cao hơn trung bình 50 - 60%, thậm chí có cửa hàng bán cao hơn 80% so với giá sản phẩm cùng loại tại Malaysia, mặc dù sữa Friso tại Malaysia là sản phẩm nhập khẩu.
 
Trong khi loại sữa Friso này được Công ty FrieslandCampina sản xuất ngay tại nhà máy ở Hà Nam và Bình Dương (Việt Nam), chứ không phải sản phẩm nhập khẩu nguyên hộp từ Hà Lan! (nguồn VietNamnet 24/5).
 
Mặt khác, việc độc quyền phân phối sản phẩm sữa nhập khẩu của các hãng như: Công ty TNHH 3A (nhập khẩu và phân phối độc quyền sữa Abbott); Công ty TNHH Tiên Tiến (độc quyền sữa Mead Johnson)… cũng chính là lý do khiến giá sữa tăng vô tội vạ.
 
Nói như vậy để thấy, bản chất của giá sữa phụ thuộc rất lớn vào các chiến dịch quảng cáo và tâm lý “sính” sữa ngoại của nhiều bậc phụ huynh. Theo các nhà chuyên môn, về cơ bản các chất có trong sữa bột dành cho trẻ là giống nhau, mức độ khác nhau không đáng kể.
 
Vậy làm thế nào để thuyết phục các ông bố, bà mẹ từ bỏ thói quen dùng sữa nhập khẩu, thậm chí là cần tẩy chay những loại sữa cố tình lợi dụng tăng giá cao.
 
Điều này có lẽ cần phải bắt đầu từ việc giải tỏa những lo lắng cho khách hàng, chẳng hạn như: khẳng định chất lượng sữa với người tiêu dùng, mời các cơ quan kiểm định có uy tín tham gia đánh giá, kiểm tra về mức độ an toàn của sữa… cũng như tăng cường hình ảnh thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Bên cạnh đó, chính những người dân cũng cần có thái độ đúng đắn trong việc sử dụng sữa cho con. Chúng ta cần những sản phẩm có chất lượng chứ không phải là sản phẩm mang “mác” ngoại, giá cao.
 
Lan Hương