Ứng dụng IT trong ngành ngân hàng vẫn chậm

(Dân trí) - Với chủ đề “Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế”, Hội thảo - Triển lãm ứng dụng công nghệ thông tin (IT) trong lĩnh vực ngân hàng lần thứ 6 (Banking Vietnam 2007) đã khai mạc tại Hà Nội ngày 31/5.

Qua 6 lần tổ chức (kể từ năm 2002 đến nay), Banking Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ cho những kết nối giữa 2 ngành kinh tế mũi nhọn là công nghệ thông tin và ngân hàng tại Việt Nam cụ thể là những bước đột phá về thị trường thẻ và thanh toán trực tuyến.

Diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 31/5 - 1/6), Banking Việt Nam 2007 sẽ tập trung vào 4 chủ đề chính là: Công nghệ ngân hàng với thanh toán không dùng tiền mặt; Mở rộng dịch vụ ngân hàng điện tử thời hội nhập; An ninh-An toàn bảo mật và phòng chống rủi ro ngân hàng; Hiện đại hóa thị trường tiền tệ, mối quan hệ giữa hoạt động ngân hàng với thị trường chứng khoán.

Với chủ đề: “Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế”, ngay trong ngày khai mạc, qua ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho thấy, việc ứng dụng IT trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam vẫn chậm và không đồng đều.

Theo ông Noritaka Akamatsu - Chuyên gia trưởng tư vấn kinh tế tài chính, Ngân hàng Thế giới (WB), cùng với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh trên diện rộng; nhưng việc ứng dụng IT trong lĩnh vực ngân hàng lại rất chậm.

Ông Akamatsu lấy dẫn chứng về việc áp dụng giải pháp Corbanking (tập trung hóa tài khoản kế toán) tại các ngân hàng hiện nay. Nếu như năm 2004, Việt Nam đã có 8 ngân hàng triển khai giải pháp này, thì đến năm 2006 cũng chỉ có thêm 2 ngân hàng nữa áp dụng Corbanking.

Còn ông Marc Alexis Remond, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Alcatel Lucent, thì lại so sánh việc triển khai công nghệ thông tin trong ngân hàng của Việt Nam với Singapore. Theo ông Marc Alexis Remond, nếu việc áp dụng IT của Sigapore đang ở giai đoạn thứ ba, thì Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn thứ nhất - giai đoạn đầu tiên.

Đồng quan điểm với các chuyên gia quốc tế, ông Đỗ Cao Bảo - Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT cho hay, không chỉ phát triển chậm, mức độ ứng dụng IT của các ngân hàng cũng không đồng bộ. Các ngân hàng có tiềm lực tài chính vững mạnh, trình độ cao, quản trị tốt thì triển khai nhanh; còn các ngân hàng gặp khó khăn về nhân lực, về tài chính hoặc khó khăn về quản trị thì lại triển khai chậm.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ triển khai IT trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam cần phải cần có một giải pháp đồng bộ. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Các ngân hàng phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Bởi theo ông Đỗ Cao Bảo, “ở các ngành khác, IT chỉ giúp để quản trị. Riêng với ngân hàng, IT là bộ phận cấu thành kinh doanh, hệ thống ATM và các giao dịch điện tử”.

TS. Hoàng Quốc Lập, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về IT, Cục trưởng Cục Ứng dụng IT (Bộ Bưu chính Viễn thông) cho biết: Việc cần làm trong thời gian tới là phải tiếp tục triển khai các văn bản hướng dẫn, các thông tư liên tịch dưới nghị định, dưới luật giữa các bộ ngành mang tính đặc thù ngân hàng.

“Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Chúng ta phải làm sao để chiến lược phát triển công nghệ thông tin phải đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa của đất nước, đồng thời phải phù hợp với các lĩnh vực đặc thù, ví dụ như ngành ngân hàng” - ông Lập nhấn mạnh.

An Hạ