Tỷ phú Việt mang trăm triệu USD đấu đại gia Mỹ trên đất Hoa Kỳ

7 tháng đàm phán, 160 cuộc gặp, nhiều khi rơi vào bế tắc, ông Trương Gia Bình lại lui về phía sau. Đúng 8h30 sáng (Mỹ), cuộc gọi kết thúc bằng lễ ký kết thỏa thuận một công ty công nghệ Việt mua lại công ty tư vấn Mỹ.

Đi đánh xứ người

"Sau thương vụ M&A công ty hàng đầu về điện lực và dầu khí của Đức cách đây 5 năm, từ đấy đến nay chúng tôi đi tìm công ty để M&A. Cũng đã có rất nhiều công ty nói chuyện, danh sách khách hàng của họ rất đông, chúng tôi đã đàm phán nhưng thất bại".

"Lần này, chúng tôi lọc ra mấy chục công ty để nghiên cứu. Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã chọn 3 công ty. Đàm phán với công ty đầu tiên thất bại, chúng tôi đàm phán tiếp với Intellinet. Chúng tôi đàm phán trong vòng 7 tháng, với 160 cuộc gặp, nhiều khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, tôi lại lui về phía sau nhằm thúc đẩy tiến độ đàm phán... ", Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình kể lại.

Lãnh đạo FPT xác định, khi chọn mua một công ty tư vấn công nghệ hàng đầu có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính bảo hiểm, y tế, sản xuất, phân phối bản lẻ, thương vụ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” này giúp FPT được bổ sung và hoàn thiện các dịch vụ công nghệ từ khâu tư vấn chiến lược ban đầu đến khâu thiết kế, triển khai, bảo hành bảo trì sau cùng, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Tỷ phú Việt mang trăm triệu USD đấu đại gia Mỹ trên đất Hoa Kỳ - 2

DN Mỹ bị thâu tóm 

Trước mắt, FPT thanh toán 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD. Theo đó, FPT sẽ hưởng 90%, còn Intellinet hưởng 10% thành quả hợp tác trong tương lai.

Đi sau FPT, tập đoàn của “ông trùm giải trí" Việt, Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa công bố thông tin về quyết định ký kết hợp đồng của công ty con là Yeah1 Network Pte.Ltd trong việc mua lại toàn bộ cổ phần sở hữu từ cổ đông của ScaleLab LLC có trụ sở tại Mỹ với giá trị 20 triệu USD.

Ông Đào Phúc Trí, Giám đốc điều hành Yeah1, chia sẻ: “Thương vụ với ScaleLab là một trong những dấu mốc quan trọng để tiến ra thị trường toàn cầu. Trong 3 năm tới, chiến lược của chúng tôi là sáp nhập thêm các kênh nội dung chất lượng, tối ưu hoá kênh sẵn có để tăng lượng người xem, hiệu suất; tạo ra nhiều nội dung toàn cầu, đầu tư nội dung thích hợp cho thị trường quốc tế, cung cấp nội dung chọn lọc cho từng vùng, lãnh thổ; phối hợp với thương hiệu để phát triển các chiến dịch truyền thông tích hợp”.

Dự kiến, các cổ đông của ScaleLad sẽ nhận được 20 triệu USD từ thương vụ này. Cụ thể, giá trị các cổ đông ScaleLad sẽ nhận được ngay lập tức là 12 triệu USD; 8 triệu USD sẽ được Yeah1 chi trả trong vòng 2 năm tới, tuỳ thuộc vào hiệu quả hoạt động của ScaleLad.

Dấu ấn lớn của người Việt trên đất Mỹ phải kể tới Vinamilk. Trước FPT, giới đầu tư cũng xôn xao với việc Vinamilk mua lại cổ phần công ty Driftwood Dairy tại bang California, Hoa Kỳ.

Sau khi đầu tư thêm 3 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư lên 10 triệu USD, Vinamilk đã chính thức nắm 100% quyền sở hữu tại một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời và dẫn đầu thị trường Bắc California. Đây là một bước đi khá táo bạo nhưng được đánh giá là hợp lý của hãng sữa hàng đầu Việt Nam.

Thương vụ khác cũng đình đám không kém là một doanh nghiệp Việt mua ngân hàng 116 năm tuổi của Mỹ. Đó là Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành, tiền thân là công ty Điện hơi Công Nghiệp Tín Thành.

Tỷ phú Việt mang trăm triệu USD đấu đại gia Mỹ trên đất Hoa Kỳ - 3

Oakwood State Bank vừa được một doanh nghiệp Việt mua đứt là một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ với bề dày lịch sử 117 năm.

Triệu đô từ nước ngoài đổ về

Những năm gần đây, hoạt động M&A diễn ra hết sức sôi động. Các quyết định thâu tóm công ty nước ngoài của doanh nghiệp trong nước luôn được nhà đầu tư quan tâm, bởi đó là những thương vụ lạ, “thâu tóm ngược”, bởi chúng ta vốn quen với việc các đại gia ngoại thâu tóm doanh nghiệp nội.

Sau giai đoạn tập trung nhân lực và rót vốn đầu tư ban đầu, thương vụ đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mang lại "trái ngọt” cho Vinamilk. Mới đây, Vinamilk quyết định thành lập mới Khối Kinh doanh quốc tế do ông Mai Hoài Anh giữ chức vụ Giám đốc điều hành. Điều này nhằm tăng cường chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài của công ty.

Theo đánh giá của FPT, Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô,...

“Nếu cộng cơ học kỳ vọng trong 12 tháng tới (tính từ tháng 7/2018, thời điểm mua Intellinet đến hết tháng 6/2019), doanh thu của FPT tại thị trường Mỹ có thể đạt mốc 100 triệu USD. Hiện chúng tôi chưa kỳ vọng tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, tuy nhiên, sau thời gian 6-12 tháng có thể nâng biên lợi nhuận ròng của thị trường Mỹ lên mức 20%”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết.

Về chung nhà với Yeah1, ScaleLad kỳ vọng doanh thu tăng trưởng 20-25% từ năm 2019 trở đi, trong đó việc tái cơ cấu lại chi phí cùng hệ thống cộng hưởng với Yeah1 Network hỗ trợ ScaleLab hoà vốn trong năm 2019. Bước sang năm 2020, tỷ suất lợi nhuận ròng ScaleLad dự kiến đạt 10%.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, hàng loạt thương vụ mua lại doanh nghiệp trên đất Mỹ cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày dần lớn mạnh, các tập đoàn lớn của Việt Nam hoàn toàn có tiềm lực để thực hiện các thương vụ M&A với đối tác nước ngoài.

Trong nước, Vinfast cũng đã mua lại hoạt động của GM Việt Nam. Hãng xe Việt sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM.

VinFast cũng tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Với việc mua lại hoạt động của GM Việt Nam, hãng xe Mỹ sẽ trở thành đối tác công nghệ của VinFast. Cuối năm 2018, việc chuyển nhượng các hoạt động của GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, mạng lưới đại lý ủy quyền và đội ngũ nhân sự đã hoàn tất.

Đánh giá về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét, các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn rộng hơn, xa hơn tới những địa bàn mới. Sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Nói về những kết quả đạt được, lãnh đạo FPT Trương Gia Bình tự hào: “Đây không chỉ là thương vụ đôi bên cùng thắng, mà tôi cho là có đến ba bên cùng thắng. Chúng ta có thể tự hào là người Việt, công ty Việt có thể thâu tóm công ty Mỹ ngay tại thị trường phát triển bậc nhất. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các dự án của FPT sẽ có thay đổi về chất, tiếp tục đóng góp hơn nữa cho xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đi thế giới”.

Theo Duy Anh
VietnamNet

bannerchan-bai.gif