1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ phú dầu lửa Nga lãnh đòn trừng phạt của Mỹ

(Dân trí) - Mỹ vừa tuyên bố trừng phạt thêm một loạt quan chức và doanh nhân Nga cùng một ngân hàng lớn của nước này. Trong số đó có tỷ phú Gennady Timchenko, nhà sáng lập công ty giao dịch dầu lửa Gunvor.

Tỷ phú Gennady Timchenko.

Tỷ phú Gennady Timchenko.

Gunvor bị nghi là có lợi ích tài chính trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đạt doanh thu 93 tỷ USD trong năm 2012, Gunvor là một trong những công ty giao dịch hàng hóa cơ bản lớn nhất thế giới. Công ty này có 1.600 nhân viên và mua dầu lửa từ hơn 35 quốc gia.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 


Có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, đây là công ty do tỷ phú Nga Timchenko và tỷ phú Torbjorn Tornqvist đồng sáng lập vào năm 2000. Hai tỷ phú này mỗi người nắm 50% cổ phiếu có quyền bầu của Gunvor.

“Các hoạt động của ông Timchenko trong lĩnh vực năng lượng có liên hệ trực tiếp với ông Putin”, Bộ Tài chính Mỹ nói trong một tuyên bố. “Ông Putin có các khoản đầu tư vào Gunvor và có thể có quyền tiếp cận với tiền của Gunvor”.

Bác lại tuyên bố của Mỹ, Gunvor nói rằng, Tổng thống Putin chưa bao giờ nắm quyền sở hữu, lợi ích hay bất kỳ thứ gì khác trong công ty này.

Sau khi có lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào tỷ phú Timchenko, công ty có trụ sở ở Geneva này nói rằng, ông Timchenko thậm chí đã bán hết cổ phần trong công ty cho tỷ phú Tornqvist. Vụ chuyển nhượng cổ phần trên diễn ra ngày 19/3 do ông Timchenko đã lường trước được nguy cơ bị trừng phạt, nhằm đảm bảo các hoạt động của công ty không bị gián đoạn. Chi tiết của thương vụ này không được công bố.

Giới quan sát cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ông Timchenko có thể khiến các công ty dầu lửa, các công ty giao dịch và ngân hàng ngại làm ăn với Gunvor, ảnh hưởng tới hàng tỷ USD giá trị hợp đồng giao dịch dầu lửa vật chất và phái sinh của công ty này. Theo luật sư Behnam Dayanim thuộc công ty luật Paul Hastings ở Washington D.C., Mỹ, khi lệnh trừng phạt nhằm vào cá nhân, khách hàng nên thận trọng khi làm ăn với công ty mà người đó kiểm soát.

“Nước Mỹ đã bắt đầu có bước đi nhằm vào ngành dầu lửa của Nga. Thị trường dầu lửa đến nay hầu như chưa chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, động thái của Mỹ đã bắt đầu thay đổi bức tranh này”, ông Olivier Jakob, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Petromatrix GmbH ở Thụy Sỹ, nhận định.

Tỷ phú Timchenko từng là một quan chức Bộ Thương mại Liên Xô trước khi nhảy vào lĩnh vực giao dịch dầu lửa. Ông Timchenko gặp ông Putin vào những năm 1990 khi ông Putin còn là người chịu trách nhiệm về quan hệ kinh tế đối ngoại tại văn phòng thị trưởng St. Petersburg. Vào năm 2006, khi tuyên bố phá sản tập đoàn dầu lửa Yukos Oil của tỷ phú Nga Mikhail Khodorkovsky, Chính phủ Nga đã trao hợp đồng giao dịch dầu lửa của tập đoàn cho Gunvoir.

Ông Timchenko trở thành một công dân Phần Lan vào năm 1999. Tuy nhiên, năm 2012, ông lấy lại địa vị công dân Nga. Theo số liệu từ Bloomberg Billionaire Index, ông Timchenko hiện đang là chủ nhân của khối tài sản ròng 8,5 tỷ USD. Ngoài cổ phần ở Gunvoir, ông này còn nắm cổ phần ở OAO Novatek, công ty sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, và hãng hóa chất OAO Sibur.

Ông Michael Lynch, Chủ tịch công ty nghiên cứu Strategic Energy & Economic Research ở Massachusetts, Mỹ, cho rằng, lệnh trừng phạt nhằm vào tỷ phú Timchenko sẽ gây khó dễ cho Gunvoir, bởi các đối tác sẽ ngại giao dịch với công ty này vì lo các giao dịch tài chính có thể bị hạn chế. “Lệnh trừng phạt có thể không khiến họ suy sụp, nhưng sẽ khiến hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng nhiều” ông Lynch nói.

Hôm qua, Tổng thống Barack Obama ký lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga trong một phản ứng trước việc nước này chiếm Crimea. Ông Obama tuyên bố, lệnh trừng phạt mới có mục tiêu là ngân hàng Bank Rossiya, vốn được xem là nguồn cung cấp vật chất cho giới lãnh đạo Nga, và 20 cá nhân có liên quan tới việc Crimea gia nhập Nga. Trong số này, ngoài tỷ phú Timchenko, còn có tỷ phú Vladimir Yakunin, Chủ tịch tập đoàn đường sắt OAO Russian Railways.

Ngay sau đó, Nga cũng công bố danh sách các quan chức Mỹ bị Moscow trừng phạt, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại thuộc Thượng viện Robert Menendez, ba thượng nghị sỹ John McCain, Mary Landrieu và Dan Coats, và ba nhân viên Nhà Trắng Dan Pfeiffer, Ben Rhodes, và Caroline Atkinson.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt là một công cụ hai lưỡi và sẽ tác động tới nước Mỹ như một chiếc boomerang. Chúng tôi sẽ đáp trả đầy đủ mọi đòn thù”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Phản ứng trước lệnh trừng phạt áp vào mình, tỷ phú Yakunin của Nga và thượng nghị sỹ McCain của Mỹ cùng tỏ ra “không có vấn đề gì”. “Tôi cảm thấy không thoải mái khi nhiều người bạn của tôi có tên trong danh sách này. Nhưng đối với tôi thì không. Tôi cảm thấy bình yên”, ông Yakunin trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg qua điện thoại.

Thượng nghị sỹ McCain viết trên mạng Twitter: “Tôi tự hào vì được ông Putin trừng phạt”.

Phương Anh
Tổng hợp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm