Tỷ giá USD/VND sụt giảm mạnh
(Dân trí) - Chiều nay 8/12, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm sâu, mức giảm từ 35 - 50 VND, xuống dưới ngưỡng 22.700 VND/1 USD.
Sau những phiên nhảy múa vì tin đồn nhảm Ngân hàng Nhà nước sắp đổi tiền, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt và liên tục điều chỉnh giảm.
Tính đến 15h hôm nay 8/12, giá USD được Vietcombank niêm yết ở mức 22.600 VND (mua vào) - 22.680 VND (bán ra), giảm 50 VND so với hôm qua.
Tại VietinBank, giá USD giảm 35 VND, xuống còn 22.610 VND - 22.680 VND.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, sau 13 lần điều chỉnh giá kể từ đầu giờ sáng, hiện Eximbank niêm yết giá USD ở mức 22.590 VND - 22.680 VND, tức giảm 40 VND; Vietbank niêm yết giá USD ở mức 22.550 VND - 22.670 VND, giảm 40 VND và 50 VND mỗi chiều.
Sacombank điều chỉnh giảm tới 70 VND chiều mua còn chiều bán ra giảm 10 VND, xuống còn 22.580 VND - 22.770 VND; Techcombank giảm 30 VND và 20 VND mỗi chiều, xuống 22.600 VND - 22.700 VND…
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm của VND với USD, áp dụng cho ngày 8/12 là 1 USD= 22.115 VND, giảm 9 VND so với hôm qua.
Trên thị trường quốc tế, đêm qua đồng USD giảm giá so với đa số các đồng tiền chủ chốt khác, đặc biệt là EUR.
Đánh giá về việc tỷ giá USD/VND nhảy múa, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ giá biến động chủ yếu xuất phát từ việc USD liên tục lên giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt sau khi có kết quả chính thức của bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cùng với đó là do nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm (kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước) và đón đầu khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12.
Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ đang tăng lên cũng là một nguyên nhân đẩy tình hình tỷ giá USD/VND trở nên căng thẳng hơn. Tính đến 30/10, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm 2015, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 9%.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát, cán cân thương mại cả năm dự báo sẽ vẫn thặng dư, nên biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời. Dù vậy, Ủy ban cũng lưu ý rằng, việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như: FED chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào tháng 12; một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ (CNY); lạm phát có chiều hướng tăng.
Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ đang tăng lên cũng là một nguyên nhân đẩy tình hình tỷ giá USD/VND trở nên căng thẳng hơn. Tính đến 30/10, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm 2015, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 9%. Mặc dù vậy, việc điều hành tỷ giá thời gian tới vẫn phải lưu ý đến nhiều yếu tố không thuận lợi liên quan đến lạm phát và thị trường ngoại hối toàn cầu.
Liên quan đến tin đồn về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp đổi tiền có thể tác động đến tâm lý của người dân khi quyết định các giao dịch về ngoại tệ thời gian qua, ngày 7/12, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định thông tin đổi tiền này là không chính xác. Ông khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân.
Và để đảm bảo việc nghiêm túc chấp hành và thực thi các quy định của pháp luật về ngoại hối, NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngoại hối trên địa bàn, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua, bán ngoại tệ.
An Hạ