Tỷ giá tăng nhiệt, các nước thắt chặt tiền tệ, Thủ tướng ra chỉ đạo "nóng"

Trần Kháng

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp, điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với các công cụ tỷ giá, lãi suất...

Sáng nay (22/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trước việc tăng lãi suất của Mỹ, các nước châu Âu và các nước khác.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều có lạm phát tăng cao và tăng trưởng suy giảm  như Mỹ, EU, Anh, các nước trong khu vực.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nước đã thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng, hạ lãi suất, đưa tiền mặt ra hỗ trợ người dân. Điều đó dẫn đến hệ lụy lạm phát tăng cao.

Tỷ giá tăng nhiệt, các nước thắt chặt tiền tệ, Thủ tướng ra chỉ đạo nóng - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, các nước phải sử dụng công cụ lãi suất, thông qua tăng lãi suất để hút tiền về; đồng thời thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa.

Hôm qua, Mỹ vừa tăng lãi suất 0,75% sau 2 lần tăng liên tiếp 0,75% trước đó, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Nhiều quốc gia, đối tác lớn của ta đều tăng lãi suất. Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) cũng đã tăng lãi suất 0,75%... 

Theo Thủ tướng, việc tăng lãi suất và thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa lại có nhiều tác động tiêu cực, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Đồng USD tăng giá dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt khác và tiềm ẩn rủi ro tiền tệ, tỷ giá ở nhiều quốc gia, khu vực.

Chỉ số đồng USD tăng mạnh nhất trong 38 năm qua: Tăng 19% so với cùng kỳ và 15% so với cuối năm 2021; nhiều đồng tiền phá giá ở mức báo động: Đồng euro giảm 11,8%, bảng Anh giảm 15,5%, yên Nhật giảm 24,3%, nhân dân tệ giảm 10,2%... 

Thủ tướng cũng chỉ rõ, tình hình thế giới biến động mạnh có tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Trong đó, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, độ mở của nền kinh tế cao (200% GDP), sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thực trạng này dẫn đến chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước. 

Cụ thể đó là tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị tiền đồng Việt Nam. Điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là một thách thức rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần phải xem xét, tính toán, cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện (cả tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài và bên trong).

Về định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước được giao điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra, lựa chọn phân bổ vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh và giảm thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất 2%; tăng cường thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ và ủng hộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng cũng cần được thực hiện.

Bộ Tài chính cần chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí theo thẩm quyền và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước cần được thực hiện nghiêm, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Việc thu hút đầu tư chất lượng cao cũng cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó là tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.