Tỷ giá tăng: Ai đang gom USD?
Theo một số nhà đầu tư, nhiều khả năng đang có một xu hướng chuyển đổi vốn của các ngân hàng từ VND sang USD để tối đa hóa lợi nhuận trong bối cảnh tín dụng VND đình trệ.
Tăng lên đỉnh
Tính đến chiều 6/6, với biên độ dao động cho phép là 1%, tỷ giá USD/VND tại gần như toàn bộ các ngân hàng thương mại đã tăng kịch trần lên 21.036 đồng (bán ra). Trên thực tế, đây là mức tăng giá mạnh nhất từ đầu năm 2012 và đưa giá USD tái lập đỉnh trước đó đã xác lập hồi cuối 20111.
Tuy nhiên, hiện tượng giá đang ở mức ổn định 20.870 đồng bất ngờ tăng vọt trong 5 ngày qua đang đặt ra khá nhiều câu hỏi. Tính chung trong 5 ngày qua, tỷ giá tại các ngân hàng đã tăng từ 150-170 đồng, mức biến động mạnh nhất trong suốt 3 tháng qua. Tỷ giá USD/VND tăng trong bối cảnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được cố định ở mức 20.828 đồng đang gây ra nhiều dấu hỏi. Liệu có phải các ngân hàng thương mại đang đứng trước một lực cầu lớn hay đón đầu cho một cho một điều chỉnh chính sách trong thời gian ngắn tới.
Tuy nhiên, nói về vấn đề này, đa số các ngân hàng đều cho rằng việc USD biến động những ngày gần đây không có gì bất thường mà chỉ là dựa trên cung cầu thực tế. Tháng 6 là thời điểm các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết yếu như xăng dầu phải thanh toán theo định kỳ do vậy cầu USD trên thị trường tăng khá mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu mua ngoại tệ dự trữ cũng khiến cho áp lực tăng giá tăng lên.
Trong khi đó, lãi suất đồng Việt Nam đang có xu hướng đi xuống khiến cho đồng USD thêm phần hấp dẫn. Hiện tượng đầu cơ có thể kéo USD tăng mạnh hơn thực tế. Nói như vậy, tỷ giá biến động mạnh trong vài ngày qua chỉ mang tính thời vụ và có thể giống như những lần biến động mạnh trước đó.
Tuy nhiên, trên thị trường tự do, giới đầu tư vẫn đang khá xôn xao về hiện tượng tăng giá khá bất thường lần này. Theo đó, tại thời điểm này dự trữ của NHNN khá dồi dào và cán cân thanh toán xuất nhập khẩu ổn định, vậy tại sao tỷ giá tăng?
Theo một số nhà đầu tư, nhiều khả năng đang có một xu hướng chuyển đổi vốn của các ngân hàng từ VND sang USD để tối đa hóa lợi nhuận trong bối cảnh tín dụng VND đình trệ. Trong một xu hướng khác, một số nhà đầu tư liên tưởng tới khả năng rút tiền của các nhà đầu tư ngoại. Thực tế, khối ngoại đã xả ra một khối lượng lớn các cổ phiếu lớn. Cả trên HSX lẫn HNX, động thái bán ra của nhà đầu tư nước ngoài là rất rõ ràng. Hiện tượng bán tháo xuất hiện ngay sau khi có những tin đồn liên quan đến việc cơ cấu danh mục, thậm chí là tất toán danh mục của nhiều nhóm nhà đầu tư ngoại.
Bên cạnh đó, xu hướng lãi suất giảm cũng có thể sẽ khiến USD chảy ra khỏi Việt Nam vì không còn hiệu ứng vùng trũng lãi suất. Tỷ giá USD/VND do vậy có thể tăng giá. Khi lãi suất thực của VND giảm so với lãi suất thực của USD thì VND mất giá so với USD là tất yếu.
Ngoài ra, tỷ giá tăng được cho là do cung USD giảm trong bối cảnh xuất khẩu kém, vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) có dấu hiệu giảm.
Những nhu cầu mới
Những gì tỷ giá USD/VND đang thể hiện thu hút sự chú ý của thị trường, bởi nó đã rất ổn định trong thời gian qua. Thực tế, nếu so với đầu năm 2012, giá USD bán ra lúc này không tăng, chỉ là tái lập mốc trần 21.036 VND; còn nếu tính trong quãng bốn ngày giao dịch vừa qua, tỷ lệ tăng ở khoảng 0,8% so với trước đó.
Nghi vấn lớn nhất ngiêng về giả thiết về sự dịch chuyển của dòng vốn tạo sức ép tăng đối với tỷ giá những ngày này. Điều này là một suy luận thông thường khi Lãi suất VND liên tiếp bị cắt giảm, xu hướng sẽ giảm và dự kiến từ nay đến cuối năm có thể còn giảm thêm vài phần trăm nữa. Dù chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn khá lớn nhưng qua những lần cắt giảm liên tiếp như vậy và kỳ vọng sẽ giảm nữa đang tạo bất lợi cho VND.
Trên thực tế, người dân đã có những phản ứng sau khi lãi suất giảm bằng cách chuyển qua gửi dài hạn hay chủ yếu là tập trung mua vàng và chuyển qua tài sản dự phòng quen thuộc là USD. Nếu đúng như dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 10% trong khi tỷ giá có thể tăng lên đến 3% thì rất nhiều người sẽ tính toán thiệt hơn.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, đợt tăng giá này xuất phát từ phía các ngân hàng trong tình trạng dư thừa thanh khoản trên hệ thống sau nhiều tháng tín dụng sụt giảm. Ngân hàng thừa vốn, họ sẽ tìm cách điều chuyển sao cho có lợi nhất. Kênh khả dĩ nhất là kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng lại đang bị sụt giảm lãi suất xuống mức 3 -4 %, không còn nhiều hấp dẫn.
Vậy có khả năng ngân hàng chuyển vốn qua USD?. Nắm USD ngoài việc có thể cho vay ngoại tệ thì vẫn được lợi từ tiềm năng về tăng tỷ giá mà như dự báo là 3% trong năm nay. Giả thiết này được nhiều người đặt vấn đề vì đợt tăng giá mới như một sự chủ động từ các ngân hàng lớn và những ngân hàng nhỏ khác đua theo.
Tuy nhiên, vấn đề là ngân hàng đang tăng giá bán ra mạnh hơn giá mùa vào, khoảng cách nới rộng lên 70 đồng/USD. Vì vậy, suy đoán về việc ngân hàng đang đứng trước một lực cầu USD là không phải không thực tế.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại cho rằng việc điều chỉnh tăng giảm vài chục đồng như hiện nay cũng là chuyện bình thường. Nhiều khi chỉ xuất phát từ việc ngân hàng mua vào để cân bằng trạng thái bán ra trước đó, hoặc một số doanh nghiệp mua đôla để giải quyết những khoản vay đến hạn. Điều này được ủng hộ bẳng chính sự ổn định chính sách, gia tăng dự trữ của Ngân hàng Nhà nước, như như trạng thái ngoại tệ tích cực trong các ngân hàng.
Nhận định mới nhất từ HSBC cũng cho rằng, vấn đề dự trữ ngoại hối cũng là một yếu tố quan trọng trong việc ổn định tỷ giá nói chung và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô nói riêng. Mức dự trữ ngoại tệ của Chính phủ cũng đã tăng 30% kể từ cuối năm 2011, tạo thêm khả năng cho Việt Nam đối phó với những cú sốc bên ngoài. HSBC nhận xét.
Chính vì thế, chuyên gia từ Ngân hàng nhà nước cho rằng, mọi việc vẫn đang trong khu vực cho phép. Cơ quan điều hành vẫn giữ cam kết điều chỉnh tối đa khoảng 3% tỷ giá trong năm nay nên đã hóa giải phần nhiều yếu tố đầu cơ, găm giữ do kỳ vọng USD biến động mạnh.
Tuy nhiên, trong sự ổn định đó, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo về những tiềm ẩn biến động có thể xảy ra khi các yếu tố như nhu cầu ngoại tệ USD cho trả nợ vay, nhập khẩu hàng hoá tăng trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hiện lãi suất cho vay USD chỉ vào khoảng 5-7% mỗi năm đối với các khoản vay ngắn hạn, khá thấp so với lãi suất huy động tiền đồng. Vì vậy, rất có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp đẩy mạnh vay USD bán lấy tiền đồng kinh doanh lúc này và cuối năm lại gom đôla trả nợ ngân hàng. Đến khi khoản vay đến kỳ đáo hạn, họ sẽ đẩy cầu ngoại tệ tăng đột biến, tạo sức ép lớn đến tỷ giá cho những tháng cuối năm.
Theo Lê Dũng
VEF