Tung gói kích thích, đại biểu lo tiền "chảy" không đúng chỗ
(Dân trí) - Thảo luận về gói kích thích, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn đối tượng, mục đích sử dụng các gói hỗ trợ, kiểm soát để tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khai mạc ngày 4/1, Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy mô thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm tới (2022 - 2023) khoảng 347.000 tỷ đồng.
Lo tình trạng lạm dụng gói hỗ trợ, không tập trung vào khôi phục sản xuất
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TPHCM), nhấn mạnh gói hỗ trợ là để giúp người dân, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông lo ngại sẽ có tình trạng lạm dụng gói hỗ trợ của Nhà nước, không tập trung vào việc khôi phục sản xuất, kinh doanh mà lấy số tiền đó để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản.
"Việc làm này là không đúng mục đích nên đề nghị Chính phủ khi đưa ra các gói hỗ trợ trong kỳ họp bất thường cần làm rõ hơn đối tượng, mục đích sử dụng các gói hỗ trợ cũng như cần tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh bội chi ngân sách", đại biểu Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra theo đại biểu, các bộ ngành cũng cần có dự báo nợ xấu xảy ra đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao. "Nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ thì kịch bản tương lai cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển trong tương lai sẽ như thế nào?", ông Đức nêu.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng Chính phủ cần xác định danh mục đối tượng cần hỗ trợ để có phương thức giải ngân nguồn ngân sách Nhà nước hiệu quả.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, trong đó ngành du lịch chịu tác động nặng nề. Vì thế, các gói trợ của Chính phủ nên ưu tiên dành cho các doanh nghiệp ngành này để có thể vượt qua khó khăn, có định hướng ổn định và phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, gói hỗ trợ của Chính phủ cũng nên đặc biệt cho người dân, lao động khó khăn, không có việc làm, phải thuê nhà ở.
Cơ bản đồng thuận với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai - cho rằng các chính sách hỗ trợ đã góp phần giúp người dân, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết cần làm rõ hơn về các giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư công, dự báo lạm phát ở mức độ nào. Bên cạnh đó là nhiệm vụ cải cách thể chế, sửa đổi một số bộ luật để giải quyết những bất cập trong đầu tư công.
Về triển khai các gói hỗ trợ, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Chính phủ cần làm rõ danh mục đầu tư, hỗ trợ. Đặc biệt, trong khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường nên ưu tiên hỗ trợ về năng lực y tế cấp xã cũng như đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chấp nhận tăng bội chi
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong năm 2021, mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,58% là sự cố gắng lớn của nước ta cho dù con số này thấp nhất 10 năm qua.
Nhấn mạnh hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng nhiều nước rất mạnh tay dành ngân sách để phục hồi kinh tế. Với Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, khi hỗ trợ cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, không còn cách nào khác là phải chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách và tín dụng tăng, nhưng phải trong tầm kiểm soát. Mục tiêu cao nhất là phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.
Nhìn nhận gói hỗ trợ tài khóa so với các nước còn rất nhỏ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm, gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết, không cần quá lo lạm phát mà không thực hiện hỗ trợ.
Trong gói hỗ trợ này, cần ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, gói chính sách tiền tệ, tài khóa nêu trên sẽ có một số tác động đến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia, vay và trả nợ công cần chú ý.
Cụ thể như bội chi NSNN bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50%GDP; nợ Chính phủ 45-46%GDP; chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%; áp lực lạm phát.
Với yêu cầu huy động nguồn lực lớn cho Chương trình, ông Dũng cũng nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện cần thận trọng, có phương án, giải pháp điều hành kịp thời, linh hoạt, phù hợp trong các tình huống xấu nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình. Cụ thể như đề nghị tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Đồng thời cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt...